Ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà, chuyển qua vài bệnh viện để điều trị, 1 lần phẫu thuật, 34 lần xạ trị và 6 đợt hóa trị…, Quang Anh vẫn không quên nghĩ về những bệnh nhi ung thư như mình, hoàn thành quyển sách Câu chuyện của tôi để gây quỹ cho các em. Quang Anh từng chia sẻ: “Khả năng chịu đựng của trẻ con yếu hơn người lớn, nên em muốn hướng tới đối tượng đó, góp phần nhỏ bé giúp các em vượt qua khó khăn”.
Sau đợt gây quỹ lần 1 với 122 triệu đồng dành tặng 20 bệnh nhi ung thư ở Bệnh viện K (cơ sở Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội), tôi gặp Quang Anh khi em đang chuẩn bị cho đợt gây quỹ thứ 2. Đón tôi trong một ngày Hà Nội trở gió lạnh, trước ngõ 158 Ngọc Hà (quận Ba Đình, Hà Nội), chàng trai trẻ vừa bước qua lằn ranh sinh tử sau cuộc phẫu thuật não, dáng người cao gầy, bước đi còn chưa vững vàng lắm chỉ có thể trò chuyện thật chậm, đôi lúc giọng nói phải ngắt quãng. Nhìn vào vết sẹo phẫu thuật dài từ đầu đến gáy, khi tôi lo lắng hỏi về chuyện cân bằng thời gian nghỉ ngơi để sức khỏe phục hồi dần và những đợt bán sách gây quỹ, Quang Anh chỉ cười: “Đừng lo, em khỏe rồi”.
Và thật nhiều cuộc trò truyện trực tuyến cùng Quang Anh suốt 1 năm qua, tôi hay tin Câu chuyện của tôi đã 3 lần gây quỹ, Quang Anh mong muốn có thể xây trường học cho trẻ em ở các tỉnh còn khó khăn. Mấy ai biết, phẫu thuật não với trường hợp của Quang Anh là mổ hở, tỷ lệ biến chứng cao hơn hẳn. Em có thể tỉnh dậy, bị liệt, hoặc cũng có thể không tỉnh dậy nữa… Và chàng trai trẻ vừa tạm thắng canh bạc ấy vẫn không quên lan tỏa một nghị lực sống thật mạnh mẽ. “Không phải để truyền cảm hứng hay gì cả, chỉ là tôi kể câu chuyện của tôi, nhưng có lẽ nó có thể xoa dịu nếu bạn chẳng may rơi vào hoàn cảnh giống tôi. Còn nếu bạn đang khỏe mạnh, thì mong câu chuyện của tôi sẽ tiếp thêm động lực cho bạn chân cứng đá mềm trước mọi biến cố của cuộc đời…” (trích Câu chuyện của tôi).
Không chỉ là cuốn sách về hành trình khó khăn và nghị lực của riêng mình, điều kỳ diệu mà cuốn sách và Quang Anh mang đến chính là lựa chọn cho mình một thái độ sống khi đứng trước tai ương hay lằn ranh sinh tử. Nhất là khi trong cuộc sống hiện đại, chúng ta đã chứng kiến nhiều câu chuyện người trẻ chọn cái chết trước những áp lực tâm lý. Trò chuyện cùng em và hiểu Quang Anh, để thấy không nhất thiết phải làm điều gì đó thật lớn lao hay định nghĩa sự đóng góp là điều gì đó thật vĩ đại. Chỉ cần gieo một mầm sống tích cực, một nghị lực sống lạc quan như Quang Anh đã làm, là điều đáng trân quý rồi.
“Khi em ngỏ ý hỏi tôi: “Cô ơi, con có nên viết ra, rồi bán sách quyên góp tiền ủng hộ các bé ung thư có hoàn cảnh khó khăn không?”, thì tôi đã phải quay đi, giấu những giọt nước mắt vì thương em, vì cảm động. Nên lắm chứ, sao không! Việc em ấy muốn làm tiếp sức cho đồng đội; việc em ấy muốn làm khiến lan tỏa cách sống đẹp. Nên lắm chứ! Tôi và cuộc sống này cảm ơn em, và yêu em”, TS-BS Phạm Thị Việt Hương (bác sĩ trực tiếp điều trị cho Quang Anh) đã từng nói như thế.
Dù điều kỳ diệu đã dừng lại, hành trình cuộc đời của Quang Anh thật ngắn, nhưng tôi tin em đã có những ngày thật đẹp và ý nghĩa… Quang Anh đã trao đi rất nhiều ngay cả khi đau đớn nhất, ở lằn ranh sinh tử mong manh vẫn thôi thúc mạch sống thật nghị lực. Cảm ơn em, và tạm biệt, Tống Quang Anh!