Cảm nhận về người Hà Nội

1. Không có con người Hà Nội như một kiểu đặc thù, tách khỏi khối cộng đồng dân tộc Việt Nam.
  Con người Hà Nội chỉ là con người Việt Nam sinh sống, phát triển và tự khẳng định mình trên một mảnh đất của Tổ quốc gọi là Thăng Long rồi Hà Nội. Phẩm chất của họ chính là phẩm chất Việt Nam được vận động và biến đổi trong hoàn cảnh chung của đất nước và hoàn cảnh đặc thù của địa phương. Phẩm chất của họ vừa mang tính phổ biến của dân tộc, vừa mang tính đặc thù của bản thân họ.

Cũng như mọi người Việt Nam, con người Hà Nội không có những phẩm chất bẩm sinh, những phẩm chất mà trời đã dành riêng cho họ từ thuở lọt lòng. Phẩm chất đó vừa mang tính phổ biến của dân tộc, vừa mang tính đặc thù của bản thân họ. Nó không mang tính ngẫu nhiên mà mang tính lịch sử. Những đặc trưng của họ được hình thành trong một môi trường thiên nhiên và xã hội nhất định. Họ là sản phẩm của hoàn cảnh của chính họ. Đúng là hoàn cảnh đã tạo ra con người và con người lại tái tạo hoàn cảnh. Hoàn cảnh và con người tác động lẫn nhau, cùng phát triển trong chiều dài lịch sử.

Có thể khái quát, Hà Nội chỉ tính từ thời định đô cũng đã gần 1.000 năm, cả ngàn năm ấy đã thu hút nhân tài bách nghệ bốn phương. Tài tử giai nhân trong nước trải hàng chục thế kỷ lần lượt kéo về đây sinh cơ lập nghiệp, tạo ra các phố phường. Các thế hệ đã đem đến những lề thói của địa phương mình, chắt lọc, hun đúc lại, tạo nên cái tinh hoa kinh kỳ. Thêm vào đó, trải ngàn năm, việc giao lưu quốc tế cũng diễn ra thường trực, cho nên Thăng Long-Hà Nội đúng là đã tiếp thu mọi tài hoa của các vùng, nhào nặn lại, nâng cao lên theo yêu cầu của đời sống toàn dân tộc. Điều này có nghĩa cái gọi là tính cách Hà Nội, tính cách kinh kỳ, chính là bản lĩnh chung của dân tộc với sắc thái riêng của đất thủ đô. Bản lĩnh đó và sắc thái đó về cơ bản, ngoài lòng yêu nước là hằng số đạo lý của toàn dân tộc thì còn là sự ứng xử (với thiên nhiên và trong xã hội) có văn hóa.

2. Ngoài ra kinh kỳ là nơi thu hút, hội tụ tài nghệ trong sự chọn lọc có vẻ bình yên nhưng khá ngặt nghèo: cái gì còn lại, phát triển được chính là cái tiêu biểu, cái tinh hoa. Những gì xoàng xĩnh, vô bổ sớm muộn đều bị đào thải. Cư dân tứ xứ về Hà Nội ban đầu cũng đem theo những phong tục, lề thói địa phương nhưng theo dòng đời được chắt lọc, nâng cao, trau chuốt trong khung cảnh văn hóa kinh kỳ mà thành ra nếp sống Tràng An. Những lề thói dở thì rơi rụng, bị bào mòn dần theo thời gian. Nên tính cách tinh hoa của văn hóa Thăng Long-Hà Nội là thực tế được lịch sử khẳng định với những biểu hiện cụ thể, đặc trưng.

Đó là sự tôn trọng các giá trị tinh thần, đạo lý trong làm ăn, ứng xử cũng như sinh hoạt hàng ngày, từ ăn, mặc, ở, nói năng, đi lại, thưởng ngoạn văn hóa nghệ thuật... Ngay trong ẩm thực, dù lúc đói lúc no cũng không xô bồ, không tạp. Người Hà Nội chính hiệu phải là người mà từ trang điểm, phục sức, nói năng, giao tiếp, ứng xử, làm lụng, hưởng thụ nghệ thuật... đều được chăm chút, cân nhắc, tề chỉnh, không buông tuồng, trễ tràng.

Vài chục năm trở lại đây, những biến động có ảnh hưởng lớn đến hệ văn hóa Hà Nội đương đại, trước đó là sự xáo trộn cư dân, cả trong những năm tháng chiến tranh lẫn trong “thời kỳ hậu chiến”, với những tác động của văn hóa là lối sống ngoại nhập chưa kịp tự điều chỉnh. Hiển nhiên, một hiện tượng thu nhận mạnh mẽ các luồng nhập cư từ mọi miền xuôi, ngược như thế, thực tế cũng có những đóng góp tích cực thậm chí đẹp đẽ nữa cho văn hóa Hà Nội. Song không thể không làm cho guồng máy tiếp nhận lối sống từ khắp các địa phương về cho hệ văn hóa Hà Nội phải vận hành với một công suất rất cao.

3. Còn có thể thấy rõ một biểu hiện khác nữa về sự tiếp nhận “quá tải” của nền văn hóa Hà Nội trong thời hiện tại vào những lúc yếu tố căn cốt của nó đang ở trong tình trạng bị loãng đi. Đấy là sự du nhập các tác nhân quốc tế, đặc biệt là từ thời kỳ mở cửa, hội nhập ở những thập kỷ cuối thế kỷ 20. Chưa từng bao giờ thấy, trong lịch sử ngàn năm văn hiến, văn hóa kinh kỳ lại lộn xộn đến như vậy bởi những yếu tố ngoại lai. Nhất là khi những yếu tố ngoại lai đó gặp được ở đây một mặt bằng dân trí đang bị xáo trộn, lại vừa có phần nào bị thả nổi với cơ chế thị trường. Đấy là cơ hội để không chỉ xu hướng “pha loãng”, mà cả xu hướng “kéo lùi” (xuống cấp), đặc biệt là ở lĩnh vực ứng xử xã hội. Vì thế mới sinh ra những kiểu nhà lố lăng, những trang phục lố bịch, những âm thanh được phóng to hết cỡ hoặc được gào thét, mếu máo mà trình diễn với những bộ trang phục nhăng nhố, những biểu hiện thác loạn ở các vũ trường, rồi lối sống bạo lực, tham nhũng hối lộ, những tệ nạn đang làm băng hoại nếp sống thanh lịch ở nơi vốn “lắng hồn núi sông ngàn năm”.

Cho nên, đang trở thành cần thiết và cấp bách hơn bao giờ hết những sự chăm lo và cố gắng mới để tiếp tục xây dựng, định hình và kiện toàn cho hệ phong tục Hà Nội hiện đại nói chung, lối sống văn hóa nói riêng, trên một mặt bằng dân trí ổn định và ngày càng được nâng cao.

Cuối cùng, nhân dịp Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, chúng tôi hy vọng sự kiện này sẽ làm sáng lên “nhất điểm linh đài” ở mỗi con người, đánh thức lương tri đặng tìm lại nguồn sống và nghị lực của truyền thống xây dựng thủ đô mà điều chỉnh lại hành vi, cấu trúc lại nhân cách, để trở thành người Hà Nội được cả nước tin yêu.

NGUYỄN VINH PHÚC

Tin cùng chuyên mục