Đó là một kiến nghị rất đúng đắn và cần thiết. Tuy rằng kiến nghị này đã gặp phải ý kiến trái chiều (như: không thể quản nổi thì cấm là tư duy quản lý duy ý chí, một lối quản lý chưa tiến bộ), nhưng đa phần dư luận nhân dân đồng tình, ủng hộ.
Luật pháp cho phép ủy thác đòi nợ thuê (chỉ áp dụng cho những con nợ khó đòi) trên tinh thần không thể hiện ý chí “bất cứ giá nào cũng phải đòi cho được nợ”; mà chỉ điều chỉnh những đối tượng này có cách trả nợ theo luật pháp. Nhưng những công ty, tổ chức dịch vụ đòi nợ thuê thì lại hiểu một cách khác. Họ coi con nợ là đối tượng trong việc thực hiện mục tiêu đòi nợ, mà không cần điều chỉnh hành vi đòi nợ đúng theo luật pháp. Do vậy, dịch vụ đòi nợ thuê đã bộc lộ nhiều bất cập làm bất ổn xã hội, dùng nhiều hành vi phi pháp khi đòi nợ.
Loại hình dịch vụ đòi nợ với những biến tướng tất yếu của nó rất nguy hại đối với một xã hội có luật pháp. Tồn tại dưới lớp vỏ bọc hợp pháp là loại hình hoạt động “công ty” tại nhiều thành phố, biến tướng của nó ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa là những kẻ cho vay nặng lãi với những tên đầu gấu, sẵn sàng có hành động bạo lực với những người buôn bán nhỏ vay nóng hàng ngày với lãi suất “khủng” dưới danh nghĩa tiền góp.
Thật khó có thể kiểm soát hoạt động công ty dịch vụ đòi nợ thuê đúng với pháp luật, lại càng không thể kiểm soát hành động từng cá nhân công ty khi đi đòi nợ. Chỉ khi nào hành vi đã thực hiện mới xem xét theo tính pháp lý thì đã muộn, hậu quả xấu về an ninh trật tự xã hội đã xảy ra rồi.
Mới đây, Bộ KH-ĐT cho biết đang xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, theo đó ngành “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” được bổ sung vào danh mục ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh.
Hoan nghênh việc nội dung kiến nghị của UBND TPHCM đã nhận được sự đồng tình của Bộ KH-ĐT và rất mong nội dung này được xem xét, thông qua, đưa vào Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp.