Cam kết mạnh mẽ trong lời nói và hành động

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV sẽ diễn ra trong 2,5 ngày (từ ngày 4 đến 6-6), tập trung vào 4 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực: TN-MT, công thương, kiểm toán, VH-TT-DL. Trước những phiên chất vấn quan trọng này, PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với một số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về các vấn đề được cử tri và nhân dân quan tâm.

* PHÓNG VIÊN: Chất vấn tại Quốc hội luôn là hoạt động được cử tri đặc biệt quan tâm. Tại kỳ họp thứ 6, đã có những vấn đề nóng được ĐB chất vấn nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết hiệu quả. Vì sao có tình trạng này, thưa ĐB?

- ĐB NGUYỄN THỊ VIỆT NGA, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương: Tôi có thể nêu luôn là vấn đề môi trường đang chuyển biến rất chậm dù cử tri phản ánh, kiến nghị nhiều và trong các phiên chất vấn - trả lời chất vấn, các buổi thảo luận của Quốc hội đã có sự giải trình của các bộ ngành liên quan.

Anh3-Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương). Ảnh QUANG PHÚC.jpg
ĐB Nguyễn Thị Việt Nga

Ví dụ, tình trạng ô nhiễm hệ thống nước sông Bắc Hải đã được phản ánh từ nhiều năm nay. Người dân của 3 địa phương: Hà Nội, Hải Dương và Hưng Yên - những nơi hệ thống sông Bắc Hải chảy qua, đã không thể sử dụng nước từ hệ thống sông này cho canh tác. Cử tri đã phản ánh nhiều lần và các đoàn ĐB cũng đã nhiều lần kiến nghị; Chính phủ và Bộ TN-MT cũng đã có chỉ đạo và đưa ra các phương án giải quyết, nhưng tình hình thực tế chuyển biến rất chậm. Hiện nước sông vẫn tiếp tục ô nhiễm. Trước kỳ họp thứ 7 của Quốc hội, cử tri vẫn tiếp tục phản ánh tình trạng này. Cử tri còn phản ánh tình trạng xâm nhập mặn và hạn mặn ở ĐBSCL. Tôi biết xử lý vấn đề môi trường không thể là ngày một, ngày hai nhưng các cơ quan chức năng cần phải quyết liệt tìm ra tác nhân và ngăn chặn tác nhân gây ô nhiễm.

Bên cạnh đó, cử tri, ĐB cũng kiến nghị rất nhiều về tình trạng lừa đảo qua mạng, lừa đảo công nghệ cao nhưng vẫn chưa được giải quyết triệt để. Phải chăng chế tài của chúng ta chưa đủ mạnh khiến tội phạm này vẫn còn mở rộng?

- ĐB NGUYỄN NGỌC SƠN, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội: Bản chất của chất vấn là khi thấy kinh tế - xã hội nổi lên bất cập thì Quốc hội tổ chức giám sát. Bất cập đó có thể do chính sách pháp luật, có thể do trong tổ chức triển khai thực hiện. Dĩ nhiên, khi vấn đề xảy ra, Chính phủ không thể lập tức khắc phục được ngay, mà có quá trình nỗ lực để giải quyết, khắc phục. Trong quá trình đó, nếu bất cập nằm trong chính sách pháp luật có khoảng trống thì các cơ quan của Quốc hội sẽ giải trình. Khi chất vấn, không chỉ các cơ quan của Quốc hội, các ĐB hỏi mà bản thân Chính phủ cũng sẽ phải nhìn nhận lại sự việc, vụ việc đó phát sinh từ đâu. Tôi cho rằng, thường thì lĩnh vực chất vấn sẽ có những chuyển biến sau đó.

Tuy nhiên, có một vấn đề là thời gian qua, có nhiều nội dung được tổ chức chất vấn với phạm vi quá rộng, dẫn đến giám sát việc tổ chức thực hiện còn khó khăn. Mặt khác, trong nghị quyết về giám sát, yếu tố định lượng và mốc thời gian còn hạn chế, dẫn đến việc các cơ quan báo cáo không thể đáp ứng được mong muốn của cử tri. Ví dụ, hôm nay vụ cháy xảy ra thì cử tri đòi hỏi luôn là sau vụ cháy đó, bất cập cái gì, ở đâu, khắc phục chưa… Điều đó chúng ta chưa thực hiện được. Vì chưa định lượng nhiều nên khi giám sát lại cũng sẽ khó khăn.

Anh2-Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương). Ảnh QUANG PHÚC.jpg
ĐB Nguyễn Ngọc Sơn

* Một trong những vấn đề mà cử tri quan tâm là khó tiếp cận nhà ở xã hội. Theo ĐB, làm thế nào để giải quyết được nút thắt trong phát triển nhà ở xã hội?

- ĐB NGUYỄN THỊ VIỆT NGA: Quốc hội đã thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi) để tháo gỡ những nút thắt trong phát triển nhà ở xã hội. Tuy nhiên, giá nhà vẫn cao so với thu nhập bình quân của người lao động thu nhập thấp; chủ đầu tư nhà ở xã hội thường hướng đến phân khúc bán đứt nhiều hơn vì muốn thu tiền một lần, ngại việc thu tiền thuê từng tháng. Do không có nhà ở xã hội cho thuê, người lao động có thu nhập thấp khó tiếp cận loại nhà này.

Tôi cho rằng, cần tiếp tục rà soát các quy định để bắt buộc trong những dự án nhà ở xã hội phải có tỷ lệ phần trăm nhất định số căn hộ để dành cho thuê. Điều này sẽ giải quyết được tình trạng người lao động rất có nhu cầu nhà ở xã hội nhưng không thể tiếp cận được.

- ĐB NGUYỄN NGỌC SƠN: Vấn đề nhà ở xã hội, trước hết, phải nhìn thấy có bất cập trong chính sách pháp luật hay không. Vừa qua, hàng loạt luật liên quan đến xây dựng, kinh doanh bất động sản, đất đai đã được Quốc hội thông qua. Với 3 luật: Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản, Chính phủ đang trình có hiệu lực sớm hơn quy định (từ 1-8-2024 thay vì 1-1-2025). Nhưng, 3 luật này ra đời, có hiệu lực sớm thì có tác động thế nào, cần có đánh giá cụ thể, chứ không thể chỉ nói là có hiệu lực sớm hơn thì tác dụng tốt hơn.

Dĩ nhiên, khi triển khai phải có thời gian, có độ trễ, khó có chuyện áp dụng là có hiệu quả ngay lập tức. Nhưng một bài học là khi trình luật, Chính phủ cũng phải đồng thời chuẩn bị các quy định chi tiết, tức là các nghị định, thông tư kèm theo, để đưa chính sách vào cuộc sống một cách nhanh nhất, tốt nhất.

* Tại kỳ họp thứ 7, ĐB quan tâm đến vấn đề chất vấn nào? Đâu là biện pháp để chất vấn không chỉ dừng ở trả lời chất vấn, mà chất vấn xong phải thực sự làm chuyển biến những vấn đề để cử tri, người dân tin tưởng gửi gắm?

- ĐB NGUYỄN NGỌC SƠN: Tại kỳ họp thứ 7 này, ngoài câu chuyện thường kỳ như TN-MT, công thương, VH-TT-DL, thì có lĩnh vực từ trước nay tới nay Quốc hội chưa tổ chức chất vấn ngành lần nào, hoặc chưa sâu, đó là Kiểm toán Nhà nước.

Cử tri cho rằng, những vụ việc sai phạm trong thời gian qua là sau khi có báo cáo kiểm toán, vậy thì trách nhiệm thuộc về ai, con số thể hiện điều gì, các yếu tố loại trừ trong báo cáo kiểm toán theo chuẩn mực quốc tế đã chuẩn mực chưa…

Những hoạt động giám sát của Quốc hội đều có vai trò, nhưng được cử tri quan tâm nhất là phiên chất vấn. Song, tôi cũng cho rằng, nên đẩy mạnh hoạt động giải trình ở các cơ quan của Quốc hội, như thế chúng ta sẽ hạn chế phải giải quyết những sự vụ, mà chất vấn ưu tiên dành để giải quyết vấn đề lớn, giúp việc hoạch định chính sách tốt hơn.

- ĐB HOÀNG THỊ THANH THÚY, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh: Quốc hội chọn 4 bộ ngành để chất vấn là rất hợp lý. Đây là những vấn đề mà cử tri và ĐB rất quan tâm. Đặc biệt trong lĩnh vực TN-MT, có nhiều vấn đề mà cử tri, nhất là cử tri phía Nam, rất lo lắng. Họ lo ngại về tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu đến khu vực ĐBSCL, bao gồm hạn hán, xâm nhập mặn, suy giảm chất lượng nguồn nước và ô nhiễm nguồn nước, gây thiệt hại nặng nề cho người dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội của vùng.

Anh1-Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy (Tây Ninh). Ảnh QUANG PHÚC.jpg
ĐB Hoàng Thị Thanh Thúy

Tôi cũng rất quan tâm đến công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực và lãng phí trong lĩnh vực Kiểm toán Nhà nước. Đây là lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tiêu cực. Các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán cần được giám sát kỹ lưỡng để đảm bảo hiệu quả trong việc phòng chống tham nhũng và tiêu cực.

Tôi cho rằng, khi đặt câu hỏi, đặt vấn đề chất vấn, các ĐB cần thẳng thắn nêu ra những nội dung mà cử tri quan tâm và bức xúc. Về phía trả lời, cần trả lời thẳng vào vấn đề, trọng tâm, đặc biệt là cần có sự cam kết và thực hiện cam kết mạnh mẽ từ các trưởng ngành với cử tri và nhân dân cả nước.

Tin cùng chuyên mục