(SGGP).- Ngày 4-2, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng cùng Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa đã đến thăm và việc với nhà thầu xây dựng dự án chống ngập nước trị giá gần 10.000 tỷ đồng ở TPHCM.
Tại đây, chủ đầu tư công trình: Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam (Tập đoàn Trung Nam) cho biết, công tác giải phóng mặt bằng đã cơ bản giải quyết xong. Sau khi đại diện chính quyền địa phương và người dân nơi dự án đi qua được mời đi tham quan dự án, chứng kiến đoạn kè mẫu dài gần 100m, đã nhất trí bàn giao mặt bằng thi công sớm cho đơn vị. Bởi lẽ họ nhận thấy rằng, nếu bờ sông được kè, chống ngập được cho khu vực thì giá trị nhà và đất của họ sẽ tăng lên. Đồng chí Đinh La Thăng nhận xét, khâu khó khăn nhất của dự án đã được giải quyết. Do vậy, nhà thầu phải đẩy nhanh tiến độ thi công và sớm bàn giao công trình cho thành phố. Đại diện nhà thầu đã cam kết, đến 30-4-2018 sẽ hoàn thành công trình, sớm hơn so với tiến độ dự kiến 14 tháng.
Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng kiểm tra tiến độ thi công cống kiểm soát triều Tân Thuận, quận 7. Ảnh: QUANG KHOA
Dự án chống ngập trị giá gần 10.000 tỷ đồng chủ yếu giải quyết tình trạng ngập do triều trong khi đó, gây ngập cho TPHCM ngoài triều còn có mưa. Các dự án chống ngập do mưa tại thành phố lại được thực hiện theo một đồ án quy hoạch khác. Đồ án này do Bộ Xây dựng chủ trì cùng các chuyên gia Nhật Bản thực hiện. Đồ án chống ngập do triều do Bộ NN-PTNT thực hiện. Do vậy, đồng chí Đinh La Thăng đã yêu cầu Trung tâm Chống ngập TPHCM cùng Sở Giao thông Vận tải, Sở NN-PTNT… và các cơ quan liên quan nghiên cứu phối hợp thực hiện đồng bộ 2 đồ án quy hoạch này để giải quyết dứt điểm tình trạng ngập cho vùng ảnh hưởng của dự án. Hiện nay còn khá nhiều tuyến đường thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn - nơi thực hiện dự án giúp chống ngập do triều - chưa có cống thoát nước hoặc có nhưng lạc hậu, xuống cấp, quá tải. Nếu hệ thống cống thoát nước mưa không được đầu tư đồng bộ với hệ thống cống ngăn triều, hiệu quả chống ngập của công trình không cao. Khu vực này vẫn có khả năng bị ngập do mưa. Đồng chí Lê Văn Khoa khẳng định sẵn sàng giải quyết ngay các vướng mắc để dự án có thể tiến hành nhanh. Để công trình hoàn thành sớm nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, đồng chí Đinh La Thăng yêu cầu công bố đường dây nóng để lắng nghe ý kiến đóng góp của người dân.
Đây là lần đầu tiên một dự án chống ngập nước được thực hiện bằng hình thức BT, thay vì sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Khi dự án hoàn thành sẽ kiểm soát ngập cho vùng diện tích 570km², với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TPHCM. Dự án sẽ xây dựng 6 cống kiểm soát triều lớn bao gồm: Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô, Phú Định (quy mô bề rộng cống 40m x 160m, cao trình đáy cống 10m x 3,6m. Xây dựng 1 trạm bơm tại cống Bến Nghé công suất 12m³/giây; 1 trạm bơm tại cống Tân Thuận công suất 48m³/giây; 1 trạm bơm tại cống Phú Định công suất 36m³/giây).
Tàu thuyền được đảm bảo qua lại bình thường khi cửa cống mở và qua âu thuyền khi cửa cống đóng. Đoạn đê bao ven sông Sài Gòn từ Vàm Thuật đến sông Kinh - giai đoạn 1 bao gồm khoảng 7,8km đê/kè ở các đoạn xung yếu; 25 cống nhỏ có khẩu độ 1m x 10m từ sông Vàm Thuật đến rạch Mương Chuối. Địa điểm xây dựng các hạng mục của công trình thuộc địa bàn các quận 1, 4, 7, 8 và huyện Nhà Bè, Bình Chánh.
TÂM ĐỨC