Cảm hứng Việt Nam

Trong dòng chảy sáng tạo không ngừng của nghệ thuật đương đại, xu hướng và chất liệu mới được các nghệ sĩ ứng biến liên tục. Liệu cảm hứng truyền thống đặt ở đâu giữa những điều mới mẻ và thậm chí có phần xa lạ?
Ảnh áo dài thuộc dự án Portraits Of Ao Dai của nhiếp ảnh gia Chiron Dương được triển lãm ở nhà ga tại Paris
Ảnh áo dài thuộc dự án Portraits Of Ao Dai của nhiếp ảnh gia Chiron Dương được triển lãm ở nhà ga tại Paris

1. Dự án ảnh Portraits Of Ao Dai của nhiếp ảnh gia Dương Quang Đạt (Chiron Dương) sau khi ra mắt vào năm 2022 với những hình ảnh về áo dài truyền thống Việt Nam đã thu hút công chúng quan tâm. Tháng 3-2022, bộ ảnh áo dài được tạp chí Vogue Italia vinh danh trong một chuyên đề riêng và từ tháng 2 đến hết tháng 3-2023, bộ ảnh tiếp tục được tạp chí Fisheye và RATP (Công ty Quản lý giao thông công cộng Paris) tổ chức triển lãm ở hành lang của các nhà ga và tàu điện ngầm tại Paris cùng tác phẩm của 10 nhiếp ảnh gia khác từng xuất hiện trên tạp chí Fisheye, nhân kỷ niệm 10 năm tạp chí này ra mắt.

Nói về lý do chọn áo dài (một đề tài đã quá quen thuộc), nhiếp ảnh gia Chiron Dương chia sẻ: “Tôi từng được nhiều bạn bè nước ngoài hỏi về áo dài, tiếc là lúc đó chưa chụp được nhiều ảnh. Áo dài là trang phục truyền thống đặc biệt của đất nước mình. Vì vậy, tôi quyết định bắt đầu dự án Portraits Of Ao Dai để chụp tà áo dài dựa trên những giá trị truyền thống và hiện đại độc đáo. Vài chục năm trở lại đây, nhiều nhà thiết kế đã cách tân áo dài. Trong số đó, có không ít thiết kế trở thành thảm họa và phá hủy hình ảnh áo dài. Đối với tôi, áo dài vừa là tính từ, vừa là danh từ. Tà áo dài vừa gợi lên sự mộc mạc, giản dị, vừa quyến rũ của người phụ nữ Việt Nam và chứa đựng nhiều kỷ niệm. Áo dài Việt Nam không chỉ là một loại quốc phục mà còn chứa đựng bề dày lịch sử, truyền thống văn hóa, quan niệm thẩm mỹ, ý thức và tinh thần dân tộc của người Việt Nam. Trải qua bao biến thiên của xã hội và thời đại, tà áo dài vẫn luôn là biểu tượng đẹp của văn hóa dân tộc, là niềm tự hào của người Việt Nam”.

2. Đầu tháng 3 vừa qua, bức ảnh Floral Dress ghi lại cảnh thu hoạch bông súng mùa nước nổi ở Mộc Hóa (Long An) do nữ nhiếp ảnh gia Khánh Phan chụp, đã đoạt giải Grand Prize (giải thưởng trị giá 15.000 USD), tại cuộc thi Ảnh & Video SkyPixel - SkyPixel Annual Photo & Video Contest được tổ chức hàng năm bởi DJI và SkyPixel - Cộng đồng nhiếp ảnh trên không lớn nhất thế giới.

“Bức ảnh này tôi chụp với tình yêu thiên nhiên, đất nước Việt Nam nơi tôi sống và là sự trân trọng, tôn vinh đối với phụ nữ Việt Nam trong lao động, người bà, người mẹ khắp các miền quê Việt Nam. Dựa trên những chất liệu truyền thống, tôi muốn tạo ra những khung hình đẹp và bắt mắt. Với hoa súng và sắc màu rực rỡ của áo bà ba, người phụ nữ đang tạo ra một mái tóc được cài bởi hàng ngàn bông hoa. Với tôi, giải thưởng lần này như một chấm mực vàng trên con đường đưa hình ảnh Việt Nam ra thế giới của tôi”, nhiếp ảnh gia Khánh Phan bày tỏ.

3. Lĩnh vực sáng tạo vốn đòi hỏi người thực hành không ngừng đổi mới, bởi thị hiếu và khả năng cảm thụ của công chúng ngày càng nâng cao. Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, câu chuyện “chiếm dụng văn hóa” đặt ra nỗi lo đánh mất giá trị truyền thống. Vai trò của lứa nghệ sĩ trẻ càng quan trọng hơn, bởi họ là lớp nghệ sĩ trực tiếp thực hành trong xu hướng mở và “không biên giới” của hội nhập quốc tế.

Chiron Dương bày tỏ: “Nếu mọi người đều sáng tạo theo lối mới thì ai sẽ giữ lại nét đẹp truyền thống. Tôi nghĩ, giá trị truyền thống tích cực cần phải được giữ gìn, bên cạnh đó là những đề tài pha trộn truyền thống và hiện đại, cuối cùng là các đề tài hiện đại. Tất cả nhóm đề tài này nên song hành cùng nhau, đề tài nào cũng có giá trị của nó. Tôi nhận ra, giữ cho mình vững về gốc rễ các giá trị truyền thống thì sự sáng tạo và giới thiệu khía cạnh hiện đại trở nên thuận tiện hơn rất nhiều. Bản sắc văn hóa Việt luôn ở trong người mình, vì vậy nó phản ánh trong chính sự sáng tạo của mình”.

Để nói sự vươn tầm hay khẳng định bản sắc nghệ thuật Việt trong cộng đồng nghệ thuật quốc tế, đó là lộ trình dài và cần nhiều trợ lực khác nhau. Nhưng sự nỗ lực của lớp nghệ sĩ trẻ, niềm tin tạo ra xu hướng sáng tạo mới từ nghệ thuật truyền thống là điều hoàn toàn có thể.

Chiron Dương chia sẻ: “Ngay cả khi dự án không nhằm thể hiện hình ảnh cụ thể nào, như áo dài hoặc các giá trị truyền thống, thì nó vẫn biểu hiện được nguồn gốc Việt Nam của mình. Vì vậy, khi triển lãm ở quốc tế, các tác phẩm của mình thường nằm đa dạng ở nhiều đề tài khác nhau, điểm chung là nó bộc lộ được chính tâm hồn và cảm xúc của mình. Và những cảm xúc này phản ánh gốc gác Việt Nam trong mình”.

Tin cùng chuyên mục