1. Lấy cảm hứng từ giai đoạn Trịnh - Nguyễn - Tây Sơn phân tranh, Vạn nhân ký - Noãn mở ra một không gian giả tưởng của thế kỷ 18, với nhân vật chính là Lý Phúc Anh - một hoàng thân thất thế đang trên đường chạy trốn. Đây là tác phẩm đầu tay của bộ đôi họa sĩ trẻ Linh - Thạch, hay còn được biết đến với bút danh Black và White của fanpage Học viện An Nam.
Có một điều đặc biệt là bộ đôi tác giả Linh - Thạch chính là hai anh em ruột. Trước đó, Linh đã từng thực hiện khâu tô màu cho bộ truyện Lịch sử Việt Nam bằng tranh của NXB Trẻ. Bố của Linh - Thạch cũng chính là họa sĩ Nguyễn Trung Tín, người đảm nhiệm phần tranh cho bộ truyện Lịch sử Việt Nam bằng tranh. Đây là ấn phẩm truyện tranh dã sử dành cho người trưởng thành với góc nhìn mới mẻ và táo bạo về một giai đoạn đầy biến động trong lịch sử. Dự kiến, Vạn nhân ký - Noãn gồm 7 tập.
Chia sẻ về tên truyện, tác giả Linh cho biết: “Chúng tôi muốn bộ truyện trở thành một serie để nó thể hiện một ý nghĩa trọn vẹn. Vạn nhân ký nghĩa là câu chuyện ghi lại của vạn người. Điều này cũng là hợp lý bởi những gì mà chúng tôi đề cập trong một tập không chỉ là cuộc đời của một danh nhân, một người được ghi lại trong lịch sử mà khi đọc, độc giả sẽ hiểu từng người có mặt trong đó mặc dù họ không có tên trong lịch sử. Không được ghi tên trong lịch sử nhưng họ vẫn đang sống, vẫn trải qua thời đại đó, có đau khổ, mất mát và có cả những hạnh phúc nữa. Đó là lý do chúng tôi chọn tên Vạn nhân ký”.
2. Sau tiểu thuyết Hỏa Dực (Đinh Tỵ Books và NXB Hà Nội, 2020) và tập truyện ngắn Thánh Dực Dũng Nghĩa truyện (Sbooks và NXB Văn học, 2021), tác giả trẻ Thành Châu vừa tiếp tục cho ra mắt tiểu thuyết Tây Sơn Phụng thần ký do NXB Phụ nữ Việt Nam ấn hành. Giống như ở 2 tác phẩm trước, lần này, Thành Châu lại tiếp tục tìm về giai đoạn Tây Sơn khởi nghĩa và đặc biệt là khắc họa đậm đặc hơn hình tượng nữ tướng Bùi Thị Xuân. Tác giả Thành Châu chia sẻ: “Điểm đặc biệt của giai đoạn Tây Sơn, Trịnh - Nguyễn là vừa mang tính chất một cuộc chiến thống nhất đất nước, lại có những cuộc khởi nghĩa nông dân chống lại giai cấp thống trị mục nát và những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm huyền thoại… Trải qua 30 năm nên có rất nhiều nhân vật, câu chuyện để viết, nhiều vấn đề lật đi lật lại mãi cũng chưa chắc sáng tỏ”.
Đã là tác phẩm thứ 3 lấy cảm hứng từ lịch sử, theo chia sẻ của Thành Châu, đến lúc này, anh không còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình sáng tác bởi hiện có rất nhiều tác giả, dự án nghiên cứu phục dựng về cổ phục, binh giáp, phong tục, phong hoa… Chỉ cần chịu khó tìm tòi sẽ có chất liệu tốt để viết. Tuy vậy, điều khiến anh luôn trăn trở chính là xây dựng câu chuyện và nhân vật sao cho thật hay, thật ấn tượng, thu hút được giới trẻ.
3. Nhắc đến những tác giả thành danh với đề tài lịch sử hiện nay, có lẽ không thể không nhắc đến nhà văn Trần Thùy Mai với bộ tiểu thuyết Từ Dụ thái hậu (giải nhất cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ 5, 2016-2019), và mới đây là bộ tiểu thuyết Công chúa Đồng Xuân. Ở lần in đầu, bộ sách được in 1.500 bản, trước sự đón nhận của độc giả, NXB Phụ nữ Việt Nam đã in nối thêm 2.000 bản.
Dường như sự đắm đuối của thế hệ đi trước với đề tài lịch sử, đã và đang là nguồn cảm hứng để thế hệ sau tiếp bước. Nhiều tác phẩm của các cây bút trẻ ra mắt, được cả giới chuyên môn và bạn đọc đánh giá cao như tiểu thuyết Nắng Thổ tang của Đinh Phương, tập truyện ngắn Bạc màu áo ngự của Lê Vũ Trường Giang, lần lượt nhận giải Tác giả trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2021 và 2022.
Ngoài ra, có thể kể thêm một số tác giả trẻ như Bình Chi với Nguyệt thư ảnh kiếm (NXB Phụ nữ Việt Nam), Cổ Nguyệt Quang với Con voi thành Phật Thệ (Tri Thức Trẻ Books và NXB Dân trí)… Điều dễ nhận thấy ở những tác giả này là họ đã và đang thử nghiệm với tiểu thuyết dã sử, mượn một nhân vật, một dữ kiện trong lịch sử, từ đó sáng tạo nên một câu chuyện hấp dẫn và lôi cuốn, có ý nghĩa truyền cảm hứng và khơi gợi ở người đọc nhu cầu tìm hiểu sâu hơn về lịch sử Việt Nam.
“Từ nhỏ, tôi đã rất thích đọc sử Việt, cảm giác cầm trên tay quyển sách cũ viết về lịch sử, ngồi trong căn phòng cũ, trước khung cửa sổ màu lam, vừa đọc vừa nhìn ra bầu trời xanh ngắt... vẫn sống động trong tâm trí tôi. Từ đó, tình yêu sử Việt dần nảy mầm và thôi thúc tôi cầm bút viết, viết đến tận hôm nay”, tác giả Thành Châu chia sẻ.