Bộ 3 cốt lõi
Hãng tin Nga Sputnik dẫn lời ông Donald Trump: “Tôi sẽ đề xuất một sáng kiến kiểm soát vũ khí 3 bên đầy táo bạo với Nga và Trung Quốc để giúp tránh chạy đua vũ trang hao tiền và thay vào đó, hợp tác để xây dựng một tương lai tốt hơn, an toàn hơn và thịnh vượng hơn cho tất cả mọi người”. Ông Donald Trump đưa ra tuyên bố trên nhân kỷ niệm 50 năm Hiệp ước về việc không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT)
Trong tuyên bố, Tổng thống Mỹ cáo buộc Trung Quốc tìm cách tăng gấp đôi kho dự trữ hạt nhân trong thập kỷ tới và chỉ trích Nga vì đã phát triển “các hệ thống mới về vũ khí có liên quan đến hạt nhân”.
Trước đó, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về an ninh và không phổ biến vũ khí Christopher Ford cho biết, Mỹ đã bắt đầu thảo luận về tương lai kiểm soát vũ khí hạt nhân với Nga và gửi lời mời tới Trung Quốc để tham gia đối thoại, nhưng vẫn chưa nhận được câu trả lời từ Bắc Kinh. Năm 2019, chính quyền ông Donald Trump đã loại bỏ Hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), một thỏa thuận kiểm soát vũ khí quan trọng được ký năm 1987 và chủ yếu nhằm giảm nguy cơ chiến tranh hạt nhân ở châu Âu.
Hiệp ước duy nhất còn lại về kiểm soát vũ khí hạt nhân giữa Nga và Mỹ là START mới, được ký vào tháng 4-2010, trong đó áp đặt các giới hạn về số lượng bệ phóng tên lửa hạt nhân của cả 2 nước, tên lửa đạn đạo liên lục địa, máy bay ném bom chiến lược và đầu đạn hạt nhân. Hiệp ước sẽ hết hạn vào tháng 2- 2021, nhưng hai bên tham gia hiệp ước có thể gia hạn thêm 5 năm nữa. Tổng thống Donald Trump cũng đã nhiều lần tuyên bố ông sẽ để START chấm dứt trừ khi một thỏa thuận mới được ký kết bao gồm các quốc gia khác, chủ yếu là Trung Quốc. Về phía Nga, Ngoại trưởng Serge Lavrov nói rằng Nga muốn gia hạn START mới càng sớm càng tốt.
Thử thách lớn
Ngày 1-6-1968 được chọn là ngày khởi đầu tiến trình tham gia ký kết NPT. Hiệp ước này được thiết lập nhằm hạn chế việc sở hữu các loại vũ khí hạt nhân. Đại đa số quốc gia có chủ quyền (187 nước) đều tham gia hiệp ước. Tuy nhiên, 2 trong số 7 cường quốc hạt nhân và một vài quốc gia có thể đang có vũ khí hạt nhân không chịu phê chuẩn hiệp ước (Ấn Độ, Pakistan, Israel, Nam Sudan và Triều Tiên - rút năm 2003).
Trong suốt 50 năm qua, bất chấp sự tồn tại của NPT, cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân vẫn tiếp diễn. Đặc biệt, 2 nước cùng có vũ khí hạt nhân và thường xuyên căng thẳng là Ấn Độ và Pakistan vẫn chưa ký kết NPT. Tháng 2-2019, cả hai nước này tiến gần đến một cuộc chiến toàn diện kể từ năm 1971 sau cuộc không kích xuyên lằn ranh LOC do Liên hiệp quốc quy định.
Theo tạp chí Newsweek, mặc dù Ấn Độ và Pakistan không chính thức tuyên bố về kho vũ khí hạt nhân của họ, Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ ước tính vào tháng 5-2019 rằng, Ấn Độ có 130-140 đầu đạn hạt nhân và Pakistan sở hữu 140-150 đầu đạn hạt nhân. Một cuộc xung đột hạt nhân giữa hai bên có thể giết chết 125 triệu người trong hơn một tuần.
Hay như Triều Tiên, đã phê chuẩn NPT vào năm 1985 nhưng đã rút lui trong bối cảnh các cuộc đàm phán quốc tế thất bại năm 2003 và Bình Nhưỡng đã thử nghiệm vũ khí hạt nhân trở lại vào năm 2006. Ngoài ra, Israel cũng được cho là sở hữu vũ khí hạt nhân, đặc biệt khi nước này thường xuyên có xung đột với các quốc gia Arab nhưng cũng không ký kết NPT. Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ ước tính nước này sở hữu khoảng 80 đầu đạn hạt nhân.