Huyện Mường Khương là thủ phủ dứa ở tỉnh Lào Cai với tổng diện tích khoảng 1.500ha. Mùa dứa 2023, có khoảng 1.120ha dứa được thu hoạch với tổng sản lượng dự kiến khoảng 33.600 tấn. Với 1.120ha, xã Bản Lầu chiếm hơn 90% tổng diện tích dứa của huyện Mường Khương. Chị Đặng Thị Thương, một chủ đồi dứa ở xã này, than thở: “Giá dứa năm nay rẻ quá mà vẫn không bán được”.
Theo chị Thương, hiện tại, nếu cắt bán lẻ cho thương lái thì giá dao động 4.000-5.000 đồng/kg (đủ hòa vốn). Thế nhưng, mỗi lần thương lái chỉ mua vài tạ đến khoảng 2-3 tấn, trong khi riêng nhà chị đang có khoảng 40 tấn dứa cần tiêu thụ. “Còn nếu cắt bán cho nhà máy thì chỉ được 3.000-3.300 đồng/kg (loại đẹp), mà giá đó thì chúng tôi lỗ nặng, không đủ trả tiền mua phân bón”, chị Thương chia sẻ. Chị cho biết thêm, các năm trước, loại dứa xấu mã nhất cũng bán được 5.000 -6.000 đồng/kg (hiện loại này chỉ rao bán 1.700-2.000 đồng/kg nhưng cũng không có ai mua).
Những nương dứa ở xã Bản Lầu (huyện Mường Khương, Lào Cai) vào mùa thu hoạch |
Chủ đồi dứa này than, từ đầu vụ đến nay mới thu được hơn 10 triệu đồng tiền bán dứa và đã phải trả cho bên đại lý cung ứng phân bón do mua chịu từ năm ngoái. Hiện dứa đang tiếp tục chín nhưng chẳng ai muốn lên thu hái, vì đầu ra không có.
Theo khảo sát, tại Mường Khương hiện có khoảng 60% sản lượng dứa vẫn nằm trên nương, chưa bán được. Một số nông dân ở xã Bản Lầu cho biết, cách đây vài năm, dứa chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc (qua các lối mở). Nhưng từ khi Trung Quốc đóng biên các cửa khẩu tiểu ngạch và lối mở thì nguồn tiêu thụ của bà con chủ yếu trông đợi Nhà máy Chế biến rau quả xuất khẩu Mường Khương và một số nhà máy khác ở Hà Nội, Hưng Yên, Ninh Bình...
Theo Trưởng phòng NN-PTNT huyện Mường Khương Lê Thanh Hoa, thời điểm này, các vùng dứa khác ở Thanh Hóa, Ninh Bình… cũng đang thu hoạch rộ, vượt công suất thu mua và tiêu thụ của các nhà máy. Khó khăn nhất hiện nay là 100% dứa thu hoạch ở Lào Cai đang phải trông đợi các nhà máy tiêu thụ ở thị trường nội địa. Nếu không có thị trường tiêu thụ, có thể giá dứa sẽ buộc phải giảm nữa. Đây là vụ lỗ thứ ba liên tiếp với người trồng dứa ở khu vực Tây Bắc. Mặc dù trước đó, dứa là cây giúp họ đổi đời, tạo nguồn thu đáng kể cho các gia đình.
Theo tìm hiểu của PV Báo SGGP, ở vựa dứa Mường Chà (Điện Biên), giá dứa cũng đang rớt mạnh. Tại đây có khoảng 400ha trồng dứa, tập trung nhiều tại các xã Mường Mươn, Na Sang và Sa Lông. Năm trước, bà con vẫn bán được giá 7.000-8.000 đồng/kg, nhưng năm nay chỉ còn 3.000-4.000 đồng, thậm chí có lúc bị thương lái ép xuống kịch sàn còn 1.000 đồng/kg. Do giá rẻ nên một số nơi ở Lào Cai, Điện Biên…, nông dân đang có tâm lý muốn phá dứa để chuyển sang các loại cây trái khác như chè, quế, chuối…
Không chỉ trái dứa, hiện các sản phẩm cam Cao Phong (Hòa Bình), cam sành Bắc Quang (Hà Giang)… cũng đang rớt giá rất sâu, mặc dù đã vào cuối vụ. Tại Hà Giang, giá cam sành tại vườn chỉ còn 6.000-7.000 đồng/kg, còn qua thương lái hoặc rao bán trên mạng xã hội cũng chỉ 8.000-10.000 đồng/kg. Mặc dù có nhiều khách ở xa muốn mua, nhưng các nhà vườn vẫn tồn khối lượng khá lớn và tiêu thụ chậm so với mọi năm. Vụ 2022-2023, Bắc Quang có khoảng 2.400ha cam, ước sản lượng trên 25.000 tấn, nhưng hiện mới tiêu thụ được 30%-35%, còn lại vẫn nằm trên cây.
Tại tỉnh Hòa Bình, cam Cao Phong đang được các thương lái rao bán khoảng 15.000-30.000 đồng/kg (tùy loại) nhưng rất ít người hỏi mua