
Từ trước Tết Nguyên đán đến nay, các tiệm cầm đồ trên địa bàn TPHCM luôn đắt khách, do nhiều người nghèo có nhu cầu chi xài dịp tết và cũng có nhiều người ăn tết quá đà, hoặc cờ bạc khiến phải đem cầm đồ đạc để trả nợ.
Dịch vụ đa dạng
Ông Nguyễn Văn Viết, chủ tiệm cầm đồ trên đường Bắc Hải (quận Tân Bình), cho biết: “Dịp tết này, nhiều tiệm cầm đồ ăn nên làm ra. Khách hàng đến cầm đồ nhiều nhất là giới sinh viên. Họ mang đến cầm đủ thứ, phổ biến nhất là điện thoại di động, laptop và xe máy. Các khách hàng này thường chuộc đồ đúng hẹn nên tụi tui kinh doanh cũng được”. Hiện nay, các tiệm cầm đồ nhận cầm cố khá đa dạng chủng loại, từ xe gắn máy, ô tô, đến mắt kính hàng hiệu, giày dép, quần áo hàng hiệu và cả giấy tờ tùy thân, thẻ sinh viên…
Tại một tiệm cầm đồ trên đường Âu Cơ (quận Tân Bình), chúng tôi thấy một nam thanh niên khoảng 16 tuổi mang đôi giày Doctor tới cầm với giá 1,8 triệu đồng. Cậu ta vô tư khoe với chủ tiệm: “Em mới mua hôm qua, giá 3,1 triệu đồng. Về nhà thế nào bà già cũng thắc mắc sao giày mất hoài. Thôi kệ, tết nhất người ra vào đông, giày xịn để bên ngoài bị mất là chuyện bình thường”.
Anh Phạm Hồng Phúc, chủ tiệm cầm đồ Phúc Hoàn trên đường Bình Thới, quận 11, cho hay: Những tiệm cầm đồ có dịch vụ cầm hàng hiệu đều liên kết với một vài shop bán đồ hiệu. Với những món đồ mới sử dụng vài lần, chưa bị hao mòn, nếu khách hàng không chuộc thì có thể đưa qua shop để tân trang chút xíu là bán được như hàng mới. Còn món đồ có dấu hiệu đã qua sử dụng, nếu khách hàng không chuộc, tiệm cầm đồ phải tự thanh lý, nên không thể nhận cho cầm thế với giá cao.

Một tiệm cầm đồ trên đường Âu Cơ (quận Tân Bình) nhận cầm cả giày Doctor. Ảnh: THU HƯỜNG
Tiềm ẩn rủi ro
Về cơ bản, dịch vụ cầm đồ cũng gỡ khó tạm thời cho một số người trong cơn túng thiếu. Nhưng về lâu dài, việc nở rộ dịch vụ cầm đồ (giao dịch trực tiếp và giao dịch qua internet) như hiện nay tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cả người tiêu dùng lẫn cơ quan quản lý. Hiện nay, lãi suất cầm đồ phổ biến dao động từ 2,5% đến 3%/tuần, cũng có nơi ở mức trên 7%/tuần. Cùng một thanh niên thử đến liên hệ cầm cố xe máy tại một tiệm cầm đồ trên đường Bắc Hải, chúng tôi mới hay không hẳn đồ đạc nào được cầm cũng là “hàng chính chủ”. Vừa thấy chúng tôi tấp vào trước tiệm cầm đồ, một thanh niên trẻ nhào ra đẩy xe lên vỉa hè và hỏi ngay: “Cầm đồ hả bà chị. Chiếc này (Honda Lead mới mua) chỉ cầm 10 triệu đồng. Lãi suất 200.000 đồng/tuần, tương đương 2%. Nếu muốn cầm thì để lại giấy tờ”.
Chúng tôi vờ lúng túng với lý do chiếc xe do em gái đứng tên, nhưng thanh niên nọ bảo không sao, chỉ cần đưa giấy tờ xe kèm chứng minh nhân dân của người cầm cố tài sản là có thể nhận tiền. Để đối chiếu mức giá cầm đồ ở các tiệm, chúng tôi lại đem xe đến một tiệm cầm đồ khác trên đường Âu Cơ (quận Tân Bình) thì được ra giá 14 triệu đồng, nhưng lãi suất đến 3% mỗi tuần, ở mức 420.000 đồng. Trường hợp chuộc đồ không đúng hạn, khách sẽ bị phạt lãi suất gấp từ 1,5 đến 2 lần lãi suất ban đầu, phụ thuộc quy ước giữa khách hàng và chủ tiệm.
Anh Nguyễn Ngọc Phú (ngụ tại Sơn Kỳ, quận Tân Phú) bức xúc chia sẻ: “Trước tết, tôi cầm chiếc xe máy Honda Wave RS giá 8 triệu đồng, lãi suất 2,5% tương đương 200.000 đồng/tuần. Ra tết, tôi đi chuộc ngay, nhưng nhận thấy xe có dấu hiệu bất thường, đem ra tiệm kiểm tra lại, phát hiện một vài linh kiện xe bị tráo đổi đồ dỏm”.
Ông Phan Văn Quách (ngụ tại đường Vườn Lài, quận Tân Phú) đã có hơn 20 năm hành nghề cầm đồ, cho rằng: “Nếu không mánh lới và không có máu mặt thì khó hành nghề này. Từng có nhiều người tới tiệm của tôi cầm cố vàng giả, hàng giả mạo hàng hiệu, đồ trộm cắp, cướp giật… Nếu thiếu kinh nghiệm sẽ bị mắc lừa và lỗ nặng, có khi còn liên lụy tới pháp luật. Nói thật, trong thời buổi cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, làm nghề cầm đồ mà làm ăn chân chính chỉ có nước húp cháo”. Chính cách lập luận, suy nghĩ kiểu ông Quách nên không hiếm tiệm cầm đồ ngấm ngầm “luộc đồ”, bắt chẹt khách hàng để thu lợi nhuận cao.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM, phân tích: “Luộc đồ” cũng là hành vi trộm cắp tài sản của người khác, do đó sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật. Tùy theo giá trị tài sản đã “luộc” mà người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản theo quy định tại Điều 138 Bộ luật Hình sự.
THI HỒNG - THU HƯỜNG