California có “né” được khánh kiệt?

California có “né” được khánh kiệt?
California có “né” được khánh kiệt? ảnh 1

Người dân biểu tình ở Oakland, California ngày 24-6, kêu gọi nhanh chóng “cứu” bang khỏi khánh kiệt

Ngày 24-6, Quốc hội bang California tiếp tục tranh luận về vấn đề cân đối tài chính cho bang trước nguy cơ cạn kiệt ngân sách. Thống đốc Arnold Schwarzenegger và giới chức tài chính bang giàu có nhất và đông dân nhất Mỹ đã tuyên bố, 28-7 là “ngày phán xét” của California, khi bang hết nhẵn tiền trang trải các chi phí hằng ngày, trừ phi các nhà lập pháp bang thông qua cân đối ngân sách mới.

Sau 5 tuần nữa, các hạt thuộc bang California sẽ không còn tiền chi cho những chương trình xã hội lớn, những người có thu nhập lệ thuộc vào hoạt động của chính quyền bang sẽ gặp nhiều khó khăn, các sinh viên đại học được bang hỗ trợ có thể phải tự lo trả học phí hoặc nghỉ học...

Nhiều năm qua, hệ thống ngân sách của California đã chi xài thoải mái nhưng suy thoái kinh tế đã làm các nguồn thu từ kinh doanh và thuế thu nhập bị giảm mạnh. Kết quả là ngân sách bang bị thâm hụt 24,3 tỷ USD. Đến cuối tháng 7, không lâu sau khi năm tài chính mới bắt đầu vào ngày 1-7, nguồn thu tiền mặt của California sẽ giảm dưới mức chi nếu các nhà lập pháp không kịp ban luật cân đối ngân sách, thêm tiền bằng cách cắt giảm chi phí, tăng thuế hoặc cả 2 giải pháp này.

Dự đoán đến tháng 9 tới, California có thể mắc nợ đến 6,5 tỷ USD. Hồi tháng 2, Thống đốc Schwarzenegger và Quốc hội bang đã thông qua một ngân sách cho năm tài chính mới, được cho sẽ ổn định tình hình tài chính bang đến giữa năm 2010, tuy nhiên nguồn thu thuế giảm mạnh đã làm ngân sách lại bị mất cân đối chỉ trong vòng vài tuần. Nguồn thu thuế thu nhập cá nhân trong 5 tháng đầu năm nay đã giảm đến 34% so cùng kỳ năm ngoái.

Ngày 24-6, Quốc hội bang bắt đầu tranh luận về một kế hoạch của các nghị sĩ Dân chủ để ngăn chặn thâm hụt ngân sách nhưng kế hoạch chưa có đủ số nghị sĩ Cộng hòa ủng hộ thông qua. Cả Thống đốc Schwarzenegger cũng phản đối kế hoạch vì nó bao gồm các khoản tăng thuế. Vấn đề phức tạp ở chỗ hệ thống thu thuế của California, do ngân sách phụ thuộc quá lớn vào thuế thu nhập cá nhân nên phần lớn nguồn thu của bang đến vào mùa xuân. Thông thường, thủ quỹ bang sẽ nhận một khoản vay lãi thấp để trả cho các khoản chi hằng ngày từ tháng 7 đến tháng 1, sau đó trả lại khi thu thuế. Tuy nhiên, hiện nay chưa có cân đối ngân sách nên các bên cho vay sẽ không thể cấp những khoản vay ngắn hạn, đưa đến một cuộc khủng hoảng tiền mặt cho bang vào cuối năm nay.

Bộ trưởng Tài chính bang, Bill Lockyer cho biết, bang cần thông qua cân đối ngân sách mới trước ngày 1-7 để ông có đủ thời gian đi vay. Lockyer cho biết: “Bế tắc chính trị kéo dài sẽ làm tổn hại lâu dài uy tín của California, ảnh hưởng đến các loại trái phiếu, chứng chỉ của bang phát hành, gây những thiệt hại không cần thiết cho người đóng thuế và các dịch vụ công chủ chốt”.

Phá sản không phải là một lựa chọn cho California vì luật phá sản Mỹ không bao gồm các bang, vốn có quyền thu thuế và vay tiền. Ngày 24-6, kiểm soát viên John Chiang cho biết, từ tuần tới, hàng ngàn nhà thầu sẽ bắt đầu nhận các giấy nợ để bang có thể giữ lại nguồn tiền mặt, điều này California từng làm chỉ một lần vào năm 1992. Paul McIntosh, giám đốc điều hành Hiệp hội các hạt ở California, nói các nhà chức trách địa phương sẽ gánh chịu các hậu quả chính nếu các khoản chi của bang bị cắt giảm xuống mức tối thiểu.


HỒNG CHUYÊN (theo AP)

Tin cùng chuyên mục