Bóng đá, thoạt tiên là một trò chơi. Nhưng giữa muôn vàn trò chơi dành cho thiểu số và một trò chơi mà phần lớn cư dân một đất nước say mê lại là một chuyện khác. Ở Việt Nam, bóng đá chưa phải là một tôn giáo, chưa thể trở thành một nền văn hóa nhưng đội tuyển quốc gia là một thứ tài sản tinh thần mà ở đó, người ta có thể kết nối cả triệu triệu trái tim dân tộc này cùng nhìn về một hướng.
Nói một cách tận cùng rằng, bất cứ những gì liên quan đến bóng đá, liên quan đến đội tuyển Việt Nam đều có những ảnh hưởng nhất định đến người dân bởi bóng đá là một phần của đời sống tinh thần người Việt.
Nhưng, có bao giờ những người đang sống cùng bóng đá Việt Nam đánh giá đúng và đầy đủ về thứ “tài sản” ấy chưa?
1. Có một điều cho đến bây giờ vẫn không ai có thể hiểu được. Cựu HLV đội tuyển Việt Nam, một trong những chuyên gia bóng đá Việt Nam, một trong những người nước ngoài hiểu bóng đá Việt Nam đến cặn kẽ là ông Calisto nhưng có bao giờ những người có trách nhiệm của LĐBĐVN đối xử với ông Calisto như một người có công chưa? (ông đã đem về cho Việt Nam chiếc huy chương đồng ở Tiger Cup gần đây nhất).
Kể từ sau thành công ngày ấy, ông Calisto bị gạt hẳn sang bên lề. Ông không nhận được một tờ giấy mời nào để đi xem các trận đấu của đội tuyển Việt Nam. Đến nỗi mới đây thôi, người cựu HLV ấy, người đã gầy dựng nên một thành phần trẻ trung mà đội tuyển đang có hiện nay, phải bỏ tiền mua vé chợ đen vào xem 2 trận đấu Tiger Cup trên sân Thống Nhất. Tệ hại hơn, khi gặp ông, những quan chức của LĐBĐVN không thèm nhìn vào mặt để chào một tiếng cho đúng truyền thống của người Việt mến khách. Trong khi đó, LĐBĐVN có hàng trăm chiếc vé mời và những chuyến bay tốn kém cho một số người chẳng có trách nhiệm gì trong công tác tổ chức.
Nói theo kiểu người Việt, không có sự biết ơn một người đã góp công thì hậu quả sẽ chẳng nhận được gì ở người khác.
Một câu hỏi đặt ra: Liệu LĐBĐVN có “muối mặt” mời ông Calisto trở lại chiếc ghế HLV trưởng không? Câu trả lời theo chúng tôi là không, vì đã có quá nhiều điều người ta cư xử không tốt với vị HLV người Bồ Đào Nha này mặc dù lỗi duy nhất của ông là...sự nóng tính.
2. Chúng ta tuyển chọn HLV theo kiểu nào? Thông qua những thông tin cách đây gần 10 năm và một số tiền lương không vượt quá khung cho phép. Sự tuyển mộ ấy cho đến khi thua Indonesia mới được một quan chức nói rằng họ cần xem lại cung cách tuyển chọn HLV. Việc ấy lẽ ra đã phải làm rất lâu nếu các vị lãnh đạo LĐ dám nhìn thẳng vào sự thật yếu kém của mình.
Nên phân tích một điều này: Chúng ta đang có một HLV với mức lương chỉ 9.000 USD, một cái giá làm LĐ hài lòng nhưng tại sao chúng ta không thể có một HLV tốt hơn, danh tiếng hơn. Tiền lương ư? Nếu phải trả thêm 20.000 USD/tháng đi nữa thì cứ chia đều cho 1000 doanh nghiệp lớn tại Việt Nam thì mỗi doanh nghiệp chỉ giúp cho LĐ 20 USD/tháng và chắc chắn họ luôn sẵn lòng giúp cho đội tuyển Việt Nam. Chỉ trừù khi LĐBĐVN cứ xem mình là một tổ chức nhà nước, tự cho mình cái quyền quyết định mọi thứ mà họ không hiểu rằng LĐ chỉ là một tổ chức xã hội và đại diện cho xã hội điều hành một tổ chức.
3. Tại sao không thấy một quan chức LĐBĐ nào từ chức sau thất bại gần như là một nỗi nhục này? Một lý do rất dễ hiểu: Đại hội bất thường của nhiệm kỳ sắp diễn ra và nếu phải ra đi, họ sẽ ra đi ...đàng hoàng hoặc với những tháng còn lại, họ sẽ tìm mọi cách để tồn tại, để “làm mới” chính mình.
Nếu như việc Tavares từ chức gây một sự phản cảm do giải còn diễn ra thì việc không có vị lãnh đạo nào của LĐ chịu từ chức càng phản cảm hơn. Tavares chỉ chịu trách nhiệm với đội bóng của ông ta nhưng LĐBĐVN phải chịu trách nhiệm trước nhân dân. Họ phải chịu trách nhiệm trước một nền bóng đá đang phát triển chỉ chờ một cú hích từ đội tuyển để bay cao hơn.
Từ chức vốn không phải là một thói quen tại Việt Nam bởi lẽ nó yêu cầu sự dũng cảm của mỗi cá nhân nhưng như đã nói, có ai trong lãnh đạo LĐ chịu nhận trách nhiệm đơn lẻ? Họ đều cho rằng đấy không phải là trách nhiệm của mỗi mình họ. Cái “Tôi” quá lớn đã dìm chết những điều lẽ ra phải nghĩ về cái chung.
Cứ thử tưởng tượng: Khi ông Tổng thư ký hay ông Phó chủ tịch đứng ra nhận trách nhiệm và từ chức, ít ra người hâm mộ cũng vơi bớt một chút sự đau đớn vì họ tin rằng LĐ đã có trách nhiệm với nỗi buồn mà họ đang chịu đựng.
Như đã nói, bóng đá không phải là một trò chơi bình thường. Thứ tài sản ấy cần được nâng niu, cần được trân trọng và cần trao cho những người có cái đầu, cái tâm và biết nhận trách nhiệm vì cái chung.
Nếu như chúng ta đang từng ngày chứng kiến những đổi thay, những sự triệt tiêu tiêu cực trong các cơ quan hành chính thì tại sao một tổ chức xã hội như LĐBĐVN lại không làm được điều đó?...
Việt Quang