Những thùng xe tự chế đẩy tay, hay dùng xe máy kéo đi, trống trên - hở dưới, nên xe lấy rác đi qua là giấy vụn, bao ni lông rơi vãi, nước rác rỉ ra đen xì, hôi thối. Giờ cao điểm, ùn ứ giao thông, việc phải đi sau xe rác dân lập thực sự là một cực hình.
Cùng mơ chiếc xe rác tốt hơn
Cư dân ở khu chợ Thị Nghè và các tuyến đường lân cận đều quá quen ông Phạm Văn Minh - người lấy rác dân lập. Bất kể giờ nào, khuya lơ khuya lắc hay chiều tối, đều thấy ông chạy chiếc xe máy cũ kỹ kéo theo thùng đựng rác, lặc lè mấy cái bao to tướng phía sau. Vừa gặp ông Minh lấy rác trong hẻm thì vài phút sau đã thấy ông len lỏi ở chợ Thị Nghè gom rác. Công việc cực nhọc, ô nhiễm, nhưng ông vẫn cần cù chịu khó. Thương người lao động lam lũ, nhưng cư dân cũng ngán ngẩm mỗi khi thấy chiếc xe rác của ông.
Ông Lê Quốc Dũng (nhà ở đường Phạm Viết Chánh) kể: “Bao năm nay, ông Minh vẫn dùng cái thùng xe rác đó, không đảm bảo vệ sinh môi trường. Cư dân chưa có thói quen phân loại rác, tất cả đồ thừa, đầu tôm, đuôi cá, chai nhựa, bao ni lông… đều bỏ chung một bọc. Khi ông Minh cầm bao rác lên thì bể bao, nước thải bắn tung tóe. Nhiều lúc ông còn mở các bao rác lấy chai nhựa, hộp giấy, lon bia…, mùi hôi bốc ra nồng nặc cả con hẻm. Khi xe rác đi, để lại nguyên vũng nước rác đen xì, nên đường hẻm rất mất vệ sinh”.
Tại khu dân cư ở trung tâm TPHCM cũng không khác mấy, cứ tầm 10 giờ sáng, cư dân hẻm 128 Lê Thánh Tôn (đối diện chợ Bến Thành) lại đem rác thải xuống. Anh Sáu đẩy chiếc xe màu xanh qua từng nhà để lấy rác. Chiếc xe rác này có vẻ chắc chắn hơn, nhưng cũng không có nắp. Do vậy, mùi rác hôi thối bốc lên nồng nặc cả con hẻm.
Ông Trần Vĩnh Hải (cư dân ở đây) nói: “Thấy các anh lấy rác vất vả như vậy, ai cũng thương. Nhiều người vẫn thường xuyên tặng trái cây, bánh kẹo để bồi dưỡng. Nhưng ai cũng nghĩ phải chi cái xe lấy rác có nắp đậy thì các anh lấy rác đỡ cực mà cư dân cũng đỡ khổ”.
Thiệt thòi trong nghề thu gom rác dân lập
Hiện nay, hơn 60% lượng rác sinh hoạt ở TPHCM được thu gom bởi lực lượng lấy rác dân lập. Lực lượng này là “cánh tay nối dài” của các công ty dịch vụ công ích trong việc thu gom rác ở những nơi mà đội ngũ công nhân vệ sinh trực thuộc chưa bao quát được. Thật thiệt thòi khi người thu gom rác dân lập không được hưởng lương và các chế độ phụ cấp nhà nước, cũng như không được bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn.
Ông Lê Thành Tân (ngụ đường Gia Phú, quận 6) cho biết: “Mấy người thu gom rác ở các quận - huyện khác có được trang bị bảo hộ lao động hay không, tôi không biết. Nhưng, những người thu gom rác ở khu phố tôi đều không có bảo hộ lao động. Dép lê, đầu trần, không khẩu trang, không bao tay. Cứ thế mà họ làm công việc nặng nhọc, độc hại và đầy hiểm nguy rình rập. Không ít lần tôi thấy họ bị trầy tay, đứt chân. Thương lắm”.
Đầu năm 2018, UBND TPHCM chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp ý kiến của sở, ngành, trình UBND TPHCM về các mẫu phương tiện thay thế xe rác lạc hậu của lực lượng thu gom rác dân lập. Các phương tiện này phải đáp ứng yêu cầu phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Mới đây, UBND TPHCM vừa phê duyệt khoản kinh phí gần 4,7 tỷ đồng viện trợ từ một tổ chức nước ngoài cho dự án “Thúc đẩy và bảo vệ quyền lợi người thu gom rác dân lập”.
Dự án được thực hiện thí điểm trên địa bàn các quận 2, 6, 9, Bình Thạnh và Gò Vấp. Với chủ trương như vậy, quyền lợi và công cụ lao động của người thu gom rác đang được chính quyền TPHCM quan tâm.
Ông Phạm Văn Minh (người lấy rác dân lập ở khu vực chợ Thị Nghè) phấn khởi cho biết: “Anh em chúng tôi rất mừng khi hay tin đó. Trước mắt, chúng tôi rất cần xe thu gom rác đúng tiêu chuẩn, thùng xe kín, có nắp đậy, chắc chắn, để không còn tình trạng rác và nước rác vương vãi trên đường phố. Công việc sẽ bận rộn hơn vì phải dành thời gian phân loại rác thải vào từng thùng, anh em lấy rác dân lập chúng tôi hy vọng người dân sẽ có ý thức phân loại rác sinh hoạt ngay tại nhà mình, giúp chúng tôi thực hiện nhiệm vụ tốt hơn. Được như vậy, thành phố sẽ luôn sạch, đẹp, văn minh”.