Biểu mẫu giấy khai sinh

Cải tiến, lạc hậu hơn!

Cải tiến, lạc hậu hơn!

Bộ Tư pháp vừa ban hành biểu mẫu giấy khai sinh, khai tử, chứng nhận kết hôn từ mẫu giấy A5, A4 rưỡi, sang khổ giấy A4 giống như nhiều loại giấy tờ hành chính khác để thuận tiện in ấn và sử dụng cho cả chính quyền lẫn người dân. Tuy nhiên, mặc dù hình thức các biểu mẫu được thay đổi song nội dung thì vẫn còn hời hợt.

Dân vẫn bị... hành!

Cải tiến, lạc hậu hơn! ảnh 1

Người dân chờ đợi làm hộ tịch tại Sở Tư pháp TPHCM. Ảnh: M.N.

Do cần có giấy khai sinh để làm thủ tục thừa kế tài sản của cha mẹ để lại, bà Vương Thúy Phượng, 52 tuổi, ngụ tại TPHCM phải về quê ở miền Tây để xin trích lục giấy khai sinh. Khi có trích lục giấy khai sinh bà tưởng đã xong việc, nào ngờ nội dung trong khai sinh lại không trùng khớp với giấy CMND và hộ khẩu của bà khiến nhân viên từ chối tiếp nhận hồ sơ.

Bởi lẽ, biểu mẫu giấy khai sinh mới không hề có các thông tin liên quan đến ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú và nghề nghiệp của cha mẹ bà nên nhân viên hỏi ngược: “Giấy khai sinh không có năm sinh, nghề nghiệp của cha mẹ bà, lỡ trùng tên với người khác thì sao?”.

Bà đáp rằng: “Biểu mẫu khai sinh là do ngành tư pháp cấp và yêu cầu gì thì người dân khai nấy chứ đâu dám thêm bớt nội dung…”. Lại bị từ chối, bà đành lên quận xin đối chiếu giấy khai sinh cũ thì được cán bộ hộ tịch cho biết trong sổ bộ lưu giữ tại quận có ghi đầy đủ các chi tiết về cha mẹ bà, nhưng vì biểu mẫu mới không có nội dung đó nên đành bó tay. Đến đây thì bà Thúy Phượng chỉ còn biết… kêu trời!?

Trường hợp của ông Trần Văn Minh, 50 tuổi, ngụ tại quận 12, vì bản chính giấy khai sinh do cha ông tự viết bằng mực từ mấy chục năm qua nên đã bị lem mờ, nên không được cán bộ tư pháp tiếp nhận. Để có giấy khai sinh hợp lệ, ông phải về quê làm đơn cớ mất giấy khai sinh để xin cấp giấy khai sinh mới. Thấy cán bộ hộ tịch, cán bộ tư pháp phải tự tay viết từng chữ vào bản chính giấy khai sinh mà không dùng máy tính để in, ông ngạc nhiên hỏi: “Ngày trước, người dân viết bằng bút mực vào giấy khai sinh đã quá lạc hậu, nay đã cải tiến rồi mà sao vẫn quay lại viết tay, e rằng giấy khai sinh không đảm bảo độ bền?”. Nhân viên tư pháp đáp gọn lỏn: “Đó là quy định của Bộ Tư pháp để tránh sửa chữa nội dung bản chính các loại giấy tờ hộ tịch!”.

Hình thức màu mè, nội dung hời hợt...

Biểu mẫu hộ tịch, khai sinh, khai tử, giấy chứng nhận kết hôn (cũ) đủ loại kích cỡ khác nhau, từ nay đều theo khổ giấy A4.

Biểu mẫu hộ tịch, khai sinh, khai tử, giấy chứng nhận kết hôn (cũ) đủ loại kích cỡ khác nhau, từ nay đều theo khổ giấy A4.

Anh Nguyễn Quốc Thắng, Phó phòng Hộ tịch, Sở Tư pháp TPHCM cho biết: “Trước đây, khi còn áp dụng Nghị định 83/CP thì các loại biểu mẫu hộ tịch được xem là chuẩn mực cả hình thức lẫn nội dung. Các loại giấy đều bằng khổ A4, khá tiện lợi trong việc lưu trữ và giao dịch. Riêng nội dung giấy khai sinh (cũ) có ghi đầy đủ ngày, tháng, năm sinh, nghề nghiệp và nơi cư trú của cha mẹ nên rất rõ ràng, không bị trùng lắp tên người…”. Thế nhưng, từ khi Bộ Tư pháp ban hành Nghị định 158/CP (ngày 27-12-2005) thì giấy khai sinh có khổ giấy A5; giấy chứng nhận kết hôn là A4 rưỡi và quay ngang; giấy khai tử khổ A4. Các loại biểu mẫu được làm trên giấy cứng, láng và dày, mẫu lớn, mẫu nhỏ khác nhau nên rất khó khăn khi in ấn.

Mới đây, ngày 5-10-2007, Bộ Tư pháp có công văn số 4210/BTP điều chỉnh kích thước của một số biểu mẫu, theo đó tất các các loại giấy: khai sinh, khai tử, chứng nhận kết hôn đều theo khổ giấy A4, chỉ có khác nhau về màu sắc, cụ thể giấy khai sinh màu xanh, khai tử màu xám và giấy chứng nhận kết hôn màu hồng. Còn lại nội dung các mục ghi trên từng loại giấy vẫn không có gì thay đổi!? Nhất là giấy khai sinh, không hề có thông tin về ngày tháng năm sinh, nghề nghiệp, nơi cư trú của cha mẹ người được sinh ra.

Chưa hết, Bộ Tư pháp còn yêu cầu cán bộ hộ tịch phải viết bằng tay vào bản chính giấy khai sinh thay vì đánh máy nên tốc độ giải quyết giấy tờ hộ tịch rất “rùa bò” trong khi khối lượng công việc lại rất lớn. Để giải quyết kịp thời khối lượng công việc, TPHCM đã phải “xé rào” in bản chính giấy khai sinh cho dân thay vì viết tay. Một cán bộ hộ tịch nhận xét: “Thời buổi này mà Bộ Tư pháp còn buộc nhân viên hộ tịch phải viết tay vào bản chính giấy khai sinh là quá nhiêu khê, vì đâu phải ai cũng viết chữ đẹp, đó là chưa kể mực lem, giấy rách trong khi mọi người phải giữ giấy khai sinh suốt cả một đời…”.

Khi Bộ Tư pháp thay đổi các biểu mẫu hộ tịch mới, nhiều người dân thắc mắc không biết có phải đổi giấy cũ lấy giấy mới không, khi nào đổi… Về vấn đề này, Bộ Tư pháp đã hướng dẫn các địa phương tiếp tục sử dụng hết mẫu cũ rồi mới xài mẫu mới, những ai đã xài mẫu cũ không cần đổi sang mẫu mới. Việc Bộ Tư pháp không quy định rõ thời gian đổi biểu mẫu sẽ dẫn đến cảnh nơi xài mẫu mới, nơi vẫn xài mẫu cũ nên chăng cần sớm in ấn, phát hành mẫu mới thống nhất áp dụng mẫu mới cùng một lúc. Đồng thời nhanh chóng điều chỉnh lại nội dung các loại giấy tờ cho đầy đủ, chặt chẽ để đáp ứng yêu cầu xã hội trong tình hình mới. 

MINH NGỌC

Tin cùng chuyên mục