Chuyển biến tích cực từ PCI
Từ đợt dịch lần thứ 4 bùng phát đến nay, công tác phòng chống dịch Covid-19 của tỉnh Cà Mau được Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao. Vì vậy, khi trở lại trạng thái bình thường mới, Cà Mau tập trung thực hiện quyết liệt các nhóm giải pháp như vừa phòng chống dịch vừa sản xuất, kinh doanh; đảm bảo lưu thông hàng hóa thông suốt, không làm gián đoạn chuỗi cung ứng; hỗ trợ cắt giảm chi phí như tín dụng, giảm miễn tiền thuê đất, điện, nước; tạo điều kiện thuận lợi về lao động, chuyên gia đến làm việc tại địa phương; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, vốn đầu tư ngoài ngân sách…
Không chỉ thời điểm xảy ra dịch Covid-19, trước đó tỉnh Cà Mau luôn chủ động hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp. Qua đó, được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Chính vì vậy, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Cà Mau có nhiều cải thiện. Ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, kết quả công bố của VCCI cho thấy, chỉ số PCI tỉnh Cà Mau những năm gần đây đã có những chuyển biến tích cực, luôn nằm trong các tỉnh, thành phố thuộc nhóm điều hành trung bình - khá. Giai đoạn 2016-2020, chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp và chỉ số gia nhập thị trường được cải thiện rõ nét, duy trì vị trí trong top 5, top 10 bảng xếp hạng các chỉ số thành phần của cả nước. Tuy nhiên, ông Huỳnh Quốc Việt cũng cho rằng, tốc độ cải thiện chỉ số PCI vẫn còn chậm và thấp so với các tỉnh, thành phố cả nước, kết quả thu hút đầu tư vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh, nhiều chỉ số thành phần còn thấp hơn so với điểm trung vị của các tỉnh, thành phố cả nước. “Đây là những chỉ số cần phải tập trung nhiều hơn nhằm cải thiện trong thời gian tới”, ông Việt nhấn mạnh.
Nhiều lợi thế
Do Cà Mau nằm khá xa các trung tâm kinh tế lớn cả nước nên có những bất lợi trong thu hút đầu tư. Dù vậy, UBND tỉnh Cà Mau cho biết, tỉnh có nhiều lợi thế, điểm mạnh trong kêu gọi đầu tư. Về thủy sản, bên cạnh diện tích nuôi trồng thủy sản hơn 300.000ha, tỉnh Cà Mau có diện tích ngư trường trên 70.000km2, đội tàu trên 5.500 chiếc, sản lượng thủy sản khai thác và nuôi trồng đạt trên 550.000 tấn/năm. Các mặt hàng thủy sản của tỉnh đã có mặt trên 60 quốc gia, trong đó có những thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ và EU.
Hiện trên địa bàn tỉnh Cà Mau có trên 421 dự án với tổng mức vốn đăng ký trên 135.530 tỷ đồng (trong đó có 10 dự án FDI, tổng vốn đăng ký trên 156 triệu USD). Mục tiêu trong giai đoạn 2021-2025, Cà Mau dự kiến sẽ thút hút trên 200 dự án, giai đoạn 2026-2030 thu hút trên 400 dự án; định hướng đến năm 2030 sẽ thu hút thêm 600 dự án, với tốc độ tăng trưởng bình quân số dự án khoảng 10%/năm. |
Về du lịch, tỉnh Cà Mau có trên 95.460ha đất rừng, chủ yếu là rừng tràm, rừng đước ngập nước, đã được UNESCO công nhận là Khu Ramsar (khu dự trữ sinh quyển) thứ 2088 của thế giới. Với tiềm năng của rừng và biển, hệ sinh thái động vật, thực vật rất phong phú, là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái. Các tuyến giao thông kết nối điểm du lịch chính như: Đất Mũi, Khai Long, Hòn Đá Bạc, Vườn quốc gia U Minh Hạ được ưu tiên đầu tư; ngoài sân bay Cà Mau, trong khu vực còn 3 sân bay khác là Phú Quốc, Cần Thơ và Rạch Giá nên rất thuận lợi để phát triển các tour du lịch liên tỉnh, liên khu vực và quốc tế.
Về công nghiệp, công nghiệp chế biến thủy sản, sản xuất điện là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh Cà Mau những năm gần đây. Do vậy, tỉnh Cà Mau tiếp tục phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp chế biến thủy sản hàng đầu cả nước; tiếp tục hỗ trợ, phát triển các dự án năng lượng, điện trên địa bàn; nghiên cứu, phát triển công nghiệp cảng, dịch vụ vận tải, xuất nhập khẩu, logistic.
Về nông nghiệp, với diện tích đất canh tác lúa trên 117.000ha, Cà Mau tập trung sản xuất lúa gạo hữu cơ, lúa mùa đặc sản kết hợp luân canh lúa trên đất nuôi tôm. Ngoài ra, tỉnh Cà Mau còn thúc đẩy một số loại cây trồng có giá trị khác như chuối, mía, dừa… phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, tạo nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm.
Cải thiện môi trường đầu tư
Nói về giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh Cà Mau, ông Huỳnh Quốc Việt cho biết, tập trung vào 4 nhóm giải pháp trọng tâm. Nhóm giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh: triển khai thực hiện đồng bộ và hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ; rút ngắn chi phí thời gian thực hiện thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng quản lý hành chính đất đai, ứng dụng công nghệ thông tin, chất lượng đào tạo nghề và hỗ trợ khởi nghiệp; tăng cường kiểm soát nhũng nhiễu; đẩy mạnh các giao dịch trực tuyến.
Nhóm giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh: tập trung huy động các nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiệu quả, ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông đường bộ (các tuyến giao thông chính kết nối với quốc lộ, tỉnh lộ, tuyến đường liên huyện), mở rộng đường bay, đường thủy; phát triển hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp và các cụm công nghiệp…
Nhóm giải pháp nâng cao năng lực, nguồn lực hỗ trợ và quản lý doanh nghiệp, nhà đầu tư: đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước, xây dựng chính quyền điện tử, phấn đấu thúc đẩy toàn diện việc xử lý hồ sơ, công việc trên môi trường mạng hướng tới cơ quan nhà nước “không sử dụng giấy tờ”; tạo hệ thống cơ sở dữ liệu trực tuyến đối với các dự án đầu tư ngoài ngân sách, rút ngắn thời gian tiếp xúc, trao đổi thông tin giữa cơ quan quản lý nhà nước với nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Nhóm giải pháp phục hồi kinh tế do ảnh hưởng đại dịch Covid-19: thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp của Chính phủ về các gói hỗ trợ doanh nghiệp, tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, sức khỏe và đời sống của người dân trên địa bàn; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho khách du lịch, chuyên gia, người lao động và các nhà đầu tư trong nước và quốc tế đến làm việc tại tỉnh Cà Mau.
Trách nhiệm - Hành động - Minh bạch - Chuẩn xác Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải vừa ký ban hành Chỉ thị số 05-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ giải pháp thu hút đầu tư và triển khai thực hiện các dự án đầu tư trên trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vưóng mắc trong thu hút đầu tư, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư theo kế hoạch, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau yêu cầu nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là tinh thần trách nhiệm, tính tiên phong của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ thu hút đầu tư và thực hiện các dự án đầu tư, xem đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, liên tục của cả hệ thống chính trị. Xác định cụ thể trách nhiệm của các cấp, ngành; lấy kết quả chỉ đạo thực hiện là một trong các tiêu chí đánh giá, bình xét thi đua hàng năm. Tăng cường đổi mới, sáng tạo, quyết liệt, ý thức tự lực, tự cường trong thực hiện nhiệm vụ thu hút đầu tư và triển khai thực hiện các dự án đầu tư; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền, không trông chờ, ỷ lại (phải thực hiện các thủ tục đầu tư và triển khai dự án đầu tư trong thời gian nhanh nhất, không chờ đến hết thời hạn theo quy định của pháp luật mới giải quyết). Đồng thời, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, hiệu quả 4 nguyên tắc: Trách nhiệm: Phải luôn chủ động; thực hiện tốt vai trò cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp, cơ quan hỗ trợ; tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; cá thể hóa trách nhiệm; giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương; thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, giám sát, xử lý, khen thưởng, kỷ luật. Hành động: Phải kiên trì, quyết liệt, sáng tạo; tự lực, tự cường, không trông chờ, ỷ lại; giải quyết công việc phải nhanh chóng, kịp thời, dút điểm. Minh bạch: Các khâu công việc phải được công khai, công bằng, cụ thể, rõ ràng. Chuẩn xác: Về thẩm quyền (từng việc, công đoạn); quy trình; về hồ sơ, thủ tục, về tiêu chí, tiêu chuẩn, về chất lượng, định lượng (khối lượng, số lượng), giá cả. |