Năm 2023, kinh tế thế giới và trong nước được dự báo sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn và cần có sự hỗ trợ, đồng hành của Nhà nước. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính, xung quanh vấn đề này.
Thực hiện chính sách tài khóa mở rộng, có trọng tâm, trọng điểm
* PHÓNG VIÊN: Thưa Thứ trưởng, trong những kết quả đạt được của năm 2022, vai trò của ngành tài chính thể hiện ra sao?
* Thứ trưởng NGUYỄN ĐỨC CHI: Tác động của dịch Covid-19 cũng như những xung đột địa chính trị quốc tế gây ảnh hưởng nhiều mặt với kinh tế Việt Nam, gây đứt gãy chuỗi cung ứng, bất ổn thị trường lao động, tăng giá nguyên liệu đầu vào. Trước tình hình đó, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ KH-ĐT đề xuất, tham mưu với Chính phủ trình Quốc hội thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp về gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất.
Thực hiện các giải pháp này, trong năm 2022, mức hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân thông qua chính sách về thuế, tiền thuê đất, phí, lệ phí là khoảng khoảng 231.000 tỷ đồng (trong đó: số tiền thuế, phí, lệ phí được miễn, giảm khoảng 96.000 tỷ đồng; số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn khoảng 135.000 tỷ đồng). Đây là năm mà các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân về thuế, phí và lệ phí với quy mô lớn nhất, phạm vi áp dụng rộng nhất trong nhiều năm qua.
* Lựa chọn chính sách luôn là điều khó khăn, tại sao chúng ta lại tập trung dùng chính sách tài khóa để hỗ trợ, thưa ông?
* Đúng vậy. Việc lựa chọn chính sách tiền tệ và tài khóa khi đối mặt với thách thức lạm phát cao, sản xuất đình trệ là rất khó khăn. Phần lớn các nước đã lựa chọn hy sinh tăng trưởng để kìm hãm lạm phát bằng các biện pháp thắt chặt, tăng lãi suất. Trên cơ sở thực tế tình hình, Việt Nam lựa chọn vừa thúc đẩy phục hồi, vừa ổn định kinh tế vĩ mô.
Với việc kiểm soát tốt thâm hụt ngân sách, nợ công năm 2021 nên chúng ta có đủ dư địa để triển khai các giải pháp chính sách tài khóa, hỗ trợ nền kinh tế từ ngân sách. Việc tập trung vào chính sách tài khóa cũng đã tạo dư địa cho chính sách tiền tệ để ứng phó với những rủi ro, bất định.
Dưới sự lãnh đạo sáng suốt, sát sao, kịp thời của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành sâu sát, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của nhân dân, doanh nghiệp, Việt Nam đã và đang thực hiện hiệu quả và toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ vừa tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, vừa ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
* Năm 2023, nhiều dự báo của các tổ chức quốc tế cho rằng, kinh tế thế giới sẽ lâm vào suy thoái. Việt Nam sẽ phải ứng phó ra sao?
* Một số rủi ro lớn có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng và khả năng phục hồi của kinh tế Việt Nam trong năm 2022 và tác động có thể kéo dài sang 2023 như: cuộc chiến tại Ukraine kéo dài và khủng hoảng năng lượng tại Liên minh châu Âu (EU); chính sách Zero Covid và suy giảm tăng trưởng tại Trung Quốc; tình trạng đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu; chính sách tăng lãi suất của Mỹ và phản ứng các đồng tiền lớn khác… Trước những rủi ro, thách thức này, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hạ dự báo GDP toàn cầu từ mức 3,6% đưa ra hồi tháng 4 xuống còn 2,9% do tác động của chính sách tiền tệ bị thắt chặt.
Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 4 đã nhấn mạnh tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Trong đó, thực hiện chính sách tài khóa mở rộng, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả, tăng cường kỷ luật tài chính, chống thất thu, triệt để tiết kiệm, chống lãng phí; rà soát để sớm đưa các nguồn lực chưa khai thác hiệu quả vào phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước; kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách nhà nước, nợ công, nợ Chính phủ; triển khai quyết liệt, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm kịp thời, công khai, minh bạch, đúng đối tượng, tránh trục lợi…
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà nghị quyết của Quốc hội đã đề ra, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình thực tế để nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phù hợp; sẽ tập trung triển khai quyết liệt và hiệu quả các giải pháp về thuế, phí, lệ phí đã và sắp được ban hành ngay trong thời gian tới; hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy, cải cách thủ tục hành chính theo hướng toàn diện và hiệu quả hơn nhằm tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Lấy lại niềm tin
* Thị trường trái phiếu doanh nghiệp là thị trường có nhiều tiềm năng khi nhu cầu vốn của các doanh nghiệp trong thời gian tới cho phát triển sản xuất kinh doanh rất lớn. Tuy nhiên, những bất ổn trên thị trường gần đây đã tác động đến người dân, doanh nghiệp, thưa ông?
* Sau vụ việc sai phạm của Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát, thị trường trái phiếu doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành mới sụt giảm, nhà đầu tư bán lại trước hạn nhiều, khối lượng mua trái phiếu trước hạn lớn. Cùng với đó, các tin đồn trên thị trường tài chính liên quan đến một số tập đoàn, khó khăn của thị trường bất động sản cũng tác động đến niềm tin của nhà đầu tư.
Để hỗ trợ thị trường phát triển bền vững, Bộ Tài chính đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát, nghiên cứu tổng thể các văn bản pháp lý, Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn để trình Chính phủ, trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung, đảm bảo phù hợp với thực tiễn của thị trường. Riêng với Nghị định 65/2022/NĐ-CP (về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ), sẽ đánh giá, xem xét, nghiên cứu và nếu cần sẽ đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung để hỗ trợ doanh nghiệp phát hành.
Tại cuộc làm việc với các doanh nghiệp vừa qua, Bộ Tài chính đề nghị các chủ thể tham gia thị trường, công ty chứng khoán cũng như các doanh nghiệp, hiệp hội trái phiếu nêu ra những khó khăn vướng mắc liên quan đến thị trường tài chính, tiền tệ, thanh khoản cũng như khó khăn về mặt pháp lý. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính sẽ tổng hợp và có cuộc làm việc với các bộ, ngành có liên quan để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để đưa ra các giải pháp trước mắt cũng như lâu dài nhằm củng cố niềm tin của thị trường, đưa thị trường tiếp tục phát triển một cách bền vững.
* Ông đã từng nhắc nhiều đến việc phải gây dựng niềm tin với nhà đầu tư trên thị trường. Với những khó khăn hiện nay, việc lấy lại niềm tin không thể một sớm một chiều. Vậy ông có khuyến nghị gì với doanh nghiệp?
* Nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các nhà đầu tư, để các nhà đầu tư sớm quay lại thị trường và thị trường phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, giúp doanh nghiệp huy động được vốn, doanh nghiệp phát hành phải có trách nhiệm đảm bảo các nghĩa vụ đã cam kết với nhà đầu tư. Các doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải thu xếp trả nợ đúng hạn trái phiếu đến hạn; chủ động thuê các công ty kiểm toán, định giá và xếp hạng tín nhiệm thực hiện kiểm toán độc lập, định giá doanh nghiệp, xếp hạng tín nhiệm để công khai với các nhà đầu tư về tình hình sản xuất, kinh doanh và tài chính của doanh nghiệp; thống nhất với các nhà đầu tư phương án cơ cấu trái phiếu doanh nghiệp trường hợp có khó khăn. Thậm chí, trong bối cảnh khó khăn thanh khoản, cần phải tính đến phương án bán các tài sản để trả nợ, không được để nhà đầu tư mất niềm tin.
* Còn với cơ quan quản lý?
* Ở góc độ quản lý, nếu doanh nghiệp phát hành trái phiếu không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thì chúng tôi sẽ áp dụng các biện pháp xử lý để giúp đảm bảo tối đa quyền lợi của nhà đầu tư theo quy định pháp luật như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị về truyền thông chính sách ngày 24-11, đó là: Nhà nước bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân trong bất cứ hoàn cảnh nào.