Còn nhiều rào cản
Theo Sở KH-ĐT TPHCM, nếu như Việt Nam là điểm sáng trong thu hút FDI của khu vực, thì TPHCM là nơi mà nhà đầu tư tìm đến nhiều nhất tại Việt Nam. Với 3 khu chế xuất và 14 khu công nghiệp đang hoạt động đã góp phần thực hiện các mục tiêu thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, giải quyết việc làm, thu nhận kỹ thuật và kinh nghiệm quản lý tiên tiến, tăng năng lực xuất khẩu, tạo nguồn thu ngoại tệ và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Thế nhưng, theo các chuyên gia, TPHCM cũng đang đối diện nhiều thách thức, trong đó môi trường đầu tư được xác định là yếu tố quan trọng nhất cần được cải thiện.
Nhìn nhận vấn đề này, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế - Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chia sẻ, TPHCM đang dẫn đầu cả nước về thu hút FDI (hiện chiếm 13%) nhưng vẫn còn một số rào cản. Qua khảo sát cho thấy, 50% doanh nghiệp gặp trở ngại với thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng; 48% doanh nghiệp gặp trở ngại với các thủ tục về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị; và hơn 40% doanh nghiệp gặp khó khăn với các thủ tục về thẩm định, thẩm duyệt.
Là “người trong cuộc”, ông David S.Oh, Ủy viên Cố vấn Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham), cho biết, các doanh nghiệp thường xuyên phải làm việc với cơ quan chức năng Việt Nam về phương pháp tính thuế mà theo ông là “rất rắc rối”. Sự rắc rối càng tăng lên khi có những cách giải thích khác nhau và vì thế nhà đầu tư mong muốn có sự thống nhất trong cách hiểu và thực thi pháp luật. “Thực tế cho thấy, tranh chấp về pháp lý có thể gây ảnh hưởng lớn, thậm chí có thể dẫn đến đóng cửa doanh nghiệp”, ông David S.Oh nói.
Minh chứng cho điều này, luật sư Châu Việt Bắc, Phó Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cung cấp số liệu: Trong số các tranh chấp giải quyết tại VIAC năm 2022 có tới 40% là tranh chấp về đầu tư. “Thực tiễn phát sinh nhiều vấn đề nhưng chưa có quy định điều chỉnh, hoặc có quy định nhưng chồng chéo, mâu thuẫn nhau, tạo ra những cách hiểu khác nhau. Hệ quả là hoạt động đầu tư gặp khó khăn, thậm chí phát sinh tranh chấp”, luật sư Châu Việt Bắc cho hay.
Hỗ trợ pháp lý
Theo ông Đậu Anh Tuấn, tuy đứng trước những thách thức nhưng TPHCM cũng có nhiều cơ hội, đó là: Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM; xu hướng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh là cơ hội bứt phá trong cuộc đua thu hút đầu tư. “Giải pháp của TPHCM đang cần là hoàn thiện chính sách Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản…; xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh xanh chú trọng bảo vệ môi trường, giảm phát thải, năng lượng tái tạo…”, ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh.
Trong khi đó, theo TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VIAC, trong xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng trên thế giới, Việt Nam là một trong những điểm đến hàng đầu. Nhằm tận dụng lợi thế này, TPHCM cần tập trung vào một số vấn đề mấu chốt, trong đó có thể chế, nhân lực; đặc biệt pháp lý đang trở thành yếu tố quan trọng hàng đầu.
Qua tiếp xúc, đặc biệt là tổ chức nhiều cuộc đối thoại giữa doanh nghiệp với chính quyền thành phố, bà Cao Thị Phi Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM (ITPC), cho biết, nhiều nhà đầu tư khẳng định giải pháp thu hút đầu tư hiệu quả nhất chính là hỗ trợ nhà đầu tư hiện hữu bằng tất cả các biện pháp. Khi ưu đãi về thuế, chi phí rẻ giảm dần lợi thế, thì cải thiện môi trường đầu tư luôn được TPHCM coi là giải pháp quan trọng hàng đầu để thu hút đầu tư.
“Hiện nay, ITPC đang cố gắng trở thành đơn vị một cửa, là nơi đầu tiên đón tiếp nhà đầu tư khi đến với TPHCM. Chúng tôi sẽ cung cấp tất cả những thông tin từ tổng quan đến chuyên sâu về từng dự án mời gọi đầu tư, hỗ trợ nhà đầu tư trong thiết lập đề án và triển khai thực hiện trong suốt quá trình sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, chúng tôi sẽ có các kênh đối thoại hỗ trợ nhà đầu tư”, bà Cao Thị Phi Vân nói.
Đáng chú ý, ITPC và VIAC đang phối hợp xây dựng một diễn đàn hỗ trợ pháp lý cho nhà đầu tư nhằm mục tiêu hỗ trợ tốt hơn cho nhà đầu tư khi đến với TPHCM. Diễn đàn này đang nhận được sự hưởng ứng rất tích cực từ cộng đồng nhà đầu tư nước ngoài cũng như các tổ chức hành nghề luật, các hiệp hội doanh nghiệp.
Tính đến hết năm 2022, cả nước thu hút hơn 25.000 doanh nghiệp FDI và khối này đã đóng góp hơn 20% GDP, 72% tổng giá trị xuất khẩu và khoảng 50% sản lượng công nghiệp cho nền kinh tế. Tuy nhiên quy định pháp luật trong lĩnh vực còn chồng chéo, gây khó cho các nhà đầu tư khi đến với Việt Nam. Báo cáo của VCCI từng đưa ra cho thấy, có tới hơn 20 điểm chồng chéo, xung đột lớn trong các Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Đất đai, Luật Xây dựng…