Cải thiện kiểm định chất lượng đại học theo chuẩn quốc tế

Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến dự thảo thông tư sửa đổi Thông tư số 04/2016/TT-BGDĐT ngày 14-3-2016 về kiểm định chương trình đào tạo đại học và cao đẳng sư phạm (gọi tắt là Thông tư 04). Khác với Thông tư 04, dự thảo thông tư sửa đổi có nhiều điểm mới như: tích hợp hướng dẫn chuyên môn và biểu mẫu vào các phụ lục kèm theo; rút gọn từ 11 tiêu chuẩn xuống còn 8 tiêu chuẩn; khắc phục sự chồng chéo trong công tác đánh giá... Qua đó, tạo thuận lợi cho công tác kiểm định của các trường.

Nhiều điều chỉnh

GS-TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), cho rằng, tiêu chuẩn đánh giá chất lượng của Thông tư 04 được xây dựng dựa trên bộ tiêu chuẩn đánh giá chương trình đào tạo phiên bản 3.0 của Tổ chức bảo đảm chất lượng thuộc mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học Đông Nam Á (AUNQA).

Khi AUNQA cải tiến bộ tiêu chuẩn đánh giá lên phiên bản mới (4.0), Việt Nam cần cập nhật để vừa phù hợp trong điều kiện của Việt Nam vừa bảo đảm hội nhập quốc tế và khu vực, nhất là trong thời gian Bộ GD-ĐT xây dựng báo cáo tham chiếu khung trình độ giáo dục của Việt Nam với khung trình độ ASEAN và sửa đổi bổ sung khung trình độ quốc gia trong năm học 2024-2025.

W4a.jpg
Trường Đại học Lạc Hồng nhận chứng nhận kiểm định chất lượng của Tổ chức kiểm định Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á

Theo đó, dự thảo thông tư sửa đổi (gọi tắt là dự thảo) đã tích hợp hướng dẫn chuyên môn và biểu mẫu vào các phụ lục kèm theo. Bộ tiêu chuẩn trong dự thảo gồm 8 tiêu chuẩn, 52 tiêu chí kèm theo phụ lục hướng đánh giá tiêu chí và phụ lục các biểu mẫu.

So với Thông tư 04, dự thảo rút gọn từ 11 tiêu chuẩn xuống còn 8 tiêu chuẩn, khắc phục được sự chồng chéo khi đánh giá theo tiêu chuẩn của Thông tư 04. Dự thảo cũng quy định 10 tiêu chí điều kiện, là các tiêu chí bắt buộc để chương trình đào tạo đạt tiêu chuẩn chất lượng. Quy định này phù hợp với bối cảnh, thực trạng xây dựng và phát triển chương trình đào tạo tại Việt Nam hiện nay.

Cũng theo GS-TS Huỳnh Văn Chương, dự thảo thay đổi cách đánh giá tiêu chí, tiêu chuẩn và chương trình đào tạo phù hợp với thông lệ quốc tế về kiểm định chất lượng. Theo quy định tại Thông tư 04, đánh giá tiêu chí gồm 7 mức từ 1-7, còn dự thảo hiện còn 2 mức (đạt/không đạt).

Cách tiếp cận đánh giá tiêu chí 7 mức hiện không phổ biến trong kiểm định chất lượng tại nhiều quốc gia và các tổ chức kiểm định quốc tế. Các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam đã thực hiện kiểm định đến chu kỳ 2 và có khoảng 10 năm kinh nghiệm triển khai hoạt động kiểm định chất lượng đại học, nên cần điều chỉnh cách đánh giá.

Tạo thuận lợi cho các trường

Theo đại diện Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT), dự thảo bổ sung quy định để mở rộng quyền của tổ chức kiểm định trong việc phát triển các công cụ đánh giá ngoài. Trên cơ sở bộ khung 8 tiêu chuẩn, 52 tiêu chí đánh giá cơ sở đào tạo do Bộ GD-ĐT ban hành, các tổ chức kiểm định xây dựng hướng dẫn chuyên môn, các tiêu chí tích hợp đánh giá các chương trình đào tạo thuộc ngành chuyên sâu đặc thù theo quy định của Chính phủ. Hoạt động kiểm định của các tổ chức kiểm định trong nước được quy định tại Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học hiện hành.

Trong khi đó, một chuyên gia kiểm định chất lượng của Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục (Đại học Quốc gia TPHCM) cho rằng, dự thảo quy định về hình thức đánh giá, số lượng, thành phần của đoàn đánh giá ngoài, các phiên họp hội đồng và việc số hóa minh chứng... phù hợp với xu thế phát triển và yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục.

Điều chỉnh các quy định liên quan đến yêu cầu đối với kiểm định viên tham gia đoàn đánh giá ngoài, trách nhiệm của trưởng đoàn, thư ký đoàn, giám sát đoàn, thực tập viên, thành viên hội đồng kiểm định phù hợp với thực tế. Điều quan trọng nữa là dự thảo cũng quy định rõ trách nhiệm của các cơ sở đào tạo trong việc cam kết về bảo đảm việc duy trì ngành, tự đánh giá đạt chuẩn chương trình đào tạo, giảm tải việc hành chính đối với kiểm định viên để thực hiện đúng tinh thần của kiểm định chất lượng - đó là tư vấn, hỗ trợ.

Theo đại diện của Viện Khoa học Giáo dục Nam (là tổ chức chuyên tư vấn, hợp tác, nghiên cứu và triển khai ứng dụng các kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực giáo dục, công nghệ phần mềm phục vụ cho giáo dục), một trong những điểm mới đáng chú ý là dự thảo đã bổ sung mức đánh giá “đạt có điều kiện” - cho phép các cơ sở có thời gian tối đa 18 tháng để cải tiến chất lượng đối với một số tiêu chuẩn, tiêu chí chưa đạt so với yêu cầu kiểm định.

Trước đây, các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục đã có bước làm này, tuy nhiên chưa được thể hiện đậm nét. Các chuyên gia đánh giá, 18 tháng là khoảng thời gian thích hợp để các cơ sở đào tạo cải tiến chất lượng đối với một số tiêu chuẩn, tiêu chí còn chưa đạt yêu cầu.

Ngoài ra, đối với chương trình đào tạo được đánh giá ở mức đạt từ chu kỳ II trở đi và có kết quả cải tiến chất lượng đáp ứng yêu cầu theo kết quả đánh giá ở chu kỳ liền trước đó, thì thời gian kiểm định chất lượng tiếp theo đối với chương trình đào tạo là 7 năm - được kéo dài thêm 2 năm so với quy định hiện hành (5 năm).

Kết quả phân tích kiểm định chất lượng của hơn 1.200 chương trình đào tạo được đánh giá theo tiêu chuẩn trong nước từ năm 2017 đến nay cho thấy các tiêu chí không đạt (dưới 4 điểm), chủ yếu về thiết kế, xây dựng và đánh giá chương trình. Điều này cũng thể hiện việc xây dựng chương trình đào tạo đạt chuẩn đầu ra và việc đánh giá người học, lấy ý kiến phản hồi của các bên liên quan phục vụ cải tiến chất lượng chương trình đào tạo đang là điểm yếu, cần phải có quy định để các trường quan tâm thực hiện.

Tin cùng chuyên mục