Dự án “Bữa ăn học đường” do Bộ GD-ĐT phối hợp cùng Viện Dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế), cùng Công ty Ajinomoto Việt Nam thực hiện và triển khai từ năm 2012. Các nội dung của dự án bao gồm: Phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng, áp phích ba phút thay đổi nhận thức và xây dựng bếp ăn mẫu bán trú theo tiêu chuẩn Nhật Bản.
Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (quận 11, TPHCM) là một trong những đơn vị triển khai tốt những nội dung của dự án.
Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Ngọc Hiền, Hiệu phó Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (quận 11, TPHCM) đã chia sẻ lộ trình và kinh nghiệm triển khai dự án tại nhà trường với các trường tiểu học. “Việc áp dụng phần mềm dự án đã cung cấp cho nhà trường một nguồn thực đơn chuẩn, phong phú, đáp ứng nhu cầu năng lượng và cân bằng dinh dưỡng cho các em học sinh”, bà Hiền cho biết thêm.
Trường Tiểu học Lê Đình Chinh cũng đẩy mạnh tuyên truyền đến phụ huynh học sinh về công tác triển khai dự án. Nhà trường cho biết, nhiều phụ huynh vẫn chưa hiểu được ý nghĩa của bữa ăn cân bằng dinh dưỡng. Các em học sinh ăn uống theo thói quen và sở thích. Việc thay đổi nhận thức và thói quen ăn uống của trẻ cần thêm thời gian.
Bên cạnh phần mềm, việc giáo dục kiến thức dinh dưỡng cho học sinh thông qua áp phích “Ba phút thay đổi nhận thức” cũng được nhà trường chú trọng. Trước mỗi giờ ăn, nhà trường sẽ giới thiệu thực đơn và thông tin dinh dưỡng của một hoặc hai loại thực phẩm trong thực đơn đó. Những thông tin dinh dưỡng này sẽ giúp các em ăn đa dạng các loại thực phẩm hơn, đặc biệt là rau củ.
Sau một thời gian triển khai dự án, nhà trường đã ghi nhận được những chuyển biến tích cực trong nhận thức và thói quen ăn uống của học sinh. Trường Tiểu học Lê Đình Chinh cũng nhận được sự ủng hộ từ phía phụ huynh trong việc thực hiện dự án. Những món ăn trong bữa trưa của các em học sinh hiện nay phong phú, cân bằng dinh dưỡng và hài hòa về số lượng món ăn. Quy trình thực hiện đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD-ĐT TPHCM) đánh giá cao những lợi ích thiết thực mà dự án mang lại. Đồng thời, đại diện Sở cũng thúc đẩy các trường tiếp tục áp dụng những nội dung của dự án, hướng đến mục tiêu tất cả các trường tiểu học tại 24 quận, huyện toàn thành đều áp dụng phần mềm dự án trong công tác bán trú.
Sau 8 năm thực hiện, dự án bữa ăn học đường đã được triển khai tại hơn 4.000 trường tiểu học bán trú tại 62 tỉnh thành toàn quốc, mang đến bữa ăn cân bằng dinh dưỡng, góp phần cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho học sinh bán trú và giáo dục kiến thức dinh dưỡng về thực phẩm cho các em.