Ở thời điểm ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 18-1-2002 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Tây Nguyên, chúng ta chủ yếu tập trung vào giữ vững ổn định an ninh chính trị biên giới. Đến thời điểm hiện nay, tình hình tương đối ổn định, vùng Tây Nguyên có nhiều cơ hội để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế.
PHÓNG VIÊN: Ông có thể nói thêm về những thế mạnh của vùng còn chưa được khai thác tương xứng?
* Thứ trưởng TRẦN DUY ĐÔNG: Tây Nguyên có khí hậu, thổ nhưỡng đặc biệt với đất đỏ bazan, rất thuận lợi để phát triển một số sản phẩm nông sản chủ lực quy mô lớn, chiếm tỷ trọng cao, nhất là cây công nghiệp, cây ăn quả. Đây là lợi thế đặc biệt quan trọng để thu hút nhà đầu tư phát triển nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, qua đó có thể xây dựng và khẳng định thương hiệu quốc tế. Với một diện tích đất đai rộng lớn, phì nhiêu chưa được khai thác hết, thì phát triển dược liệu, trong đó có cây sâm Ngọc Linh, cũng là thế mạnh của vùng.
Tiềm năng tiếp theo là phát triển năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời. Các nhà khoa học đánh giá rất cao lợi thế của vùng về khả năng xây dựng các dự án năng lượng tái tạo, không chỉ ở vùng núi, mà còn có thể đặt trên mặt nước tại một số hồ lớn. Khoáng sản, cụ thể là bauxite phân bố với trữ lượng lớn tại Đắk Nông cũng là một yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư sản xuất, chế biến nhôm công nghệ cao gắn với khai thác bền vững bauxite, hài hòa với yếu tố môi trường.
Bên cạnh đó, thiên nhiên hùng vĩ cộng với kho tàng văn hóa bản địa phong phú là cơ sở để phát triển dịch vụ du lịch đa dạng, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước đến với Tây Nguyên.
Theo ông, đâu là “điểm nghẽn” đầu tiên cần được khai thông?
* Đầu tiên cần cải thiện điều kiện giao thông. Nghị quyết số 23-NQ/TW đã quy định rất rõ lộ trình thực hiện 9 dự án giao thông. Cụ thể, đến năm 2030 phải hoàn thành 5 tuyến đường cao tốc, gồm: Quy Nhơn - Pleiku, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Gia Nghĩa - Chơn Thành, Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương. Mục tiêu là để kết nối với các cảng biển ở những vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và kết nối với thị trường Đông Nam bộ rộng lớn.
Trong 5 dự án này, một số tuyến đã xác định được nguồn lực để triển khai thực hiện. Ví dụ như Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đầu tư hoàn toàn bằng vốn ngân sách nhà nước. Tuyến cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương sẽ thực hiện theo hình thức BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao). Đồng thời, 3 cảng hàng không (Liên Khương, Pleiku và Buôn Ma Thuột) nằm trong 9 dự án cũng đã rõ lộ trình triển khai mở rộng, nâng cấp. Dự án cuối cùng là khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt để phát triển du lịch.
Thực hiện Luật Quy hoạch, đến bao giờ quy hoạch vùng Tây Nguyên hoàn thành, làm cơ sở pháp lý vững chắc cho các dự án đầu tư phát triển?
* Bộ KH-ĐT đang triển khai việc này, dự kiến hoàn thành vào năm 2023. Tuy nhiên, khái quát mà nói, Tây Nguyên được chia thành 3 tiểu vùng với đặc trưng và giải pháp thực hiện phát triển khác nhau, nhưng có sự liên thông chặt chẽ.
Tiểu vùng Bắc Tây Nguyên (gồm tỉnh Gia Lai, Kon Tum) tiếp tục phát triển công nghiệp. Theo đó, duy trì công nghiệp thủy điện hiện có và phát triển năng lượng tái tạo, dược liệu. Đồng thời, hình thành khu du lịch sinh thái gắn với vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên. Không gian phát triển được kết nối thông qua hành lang quốc lộ 14, 19, 24 kết nối với khu vực duyên hải miền Trung.
Tiểu vùng Trung Tây Nguyên (tỉnh Đắk Lắk), tập trung về năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến nông lâm sản, đặc biệt là sản xuất, xuất khẩu cà phê, các trung tâm dịch vụ thương mại, trung chuyển hàng hóa của vùng. Không gian phát triển kinh tế của vùng này gắn với tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, dọc theo quốc lộ 26, 29 và cao tốc Buôn Ma Thuột - Khánh Hòa.
Tiểu vùng Nam Tây Nguyên (gồm tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông) tập trung phát triển ngành dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao. Cùng với đó là nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp khai thác, chế biến nhôm gắn với nguồn tài nguyên bauxite, alumin dồi dào. Không gian phát triển của tiểu vùng này gắn với vùng Đông Nam bộ.