Đẩy mạnh đầu tư giải pháp công trình
Ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Bảo vệ môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, có nhiều mục tiêu đề ra trong phiên họp trước đã được các tỉnh, thành thực hiện, góp phần giảm thiểu đáng kể tình trạng xả thải gây ô nhiễm môi trường ra lưu vực hệ thống sông Đồng Nai.
Trong đó phải kể đến hệ thống quan trắc, giám sát môi trường và cơ sở thông tin dữ liệu được các tỉnh, thành chú trọng đầu tư; đặc biệt là tăng cường mạng lưới quan trắc, giám sát chất lượng nước mặt và hệ thống tiếp nhận thông tin, dữ liệu quan trắc tự động liên tục từ các đối tượng phải lắp đặt quan trắc tự động nước thải. Kết quả giám sát chất lượng môi trường nước trên lưu vực sông Đồng Nai cho thấy, dòng chính các sông cơ bản được duy trì ổn định, tuy một số khu vực hạ lưu vẫn còn vài thông số vượt quy chuẩn cho phép như các kênh An Hạ, Tham Lương, Tân Hóa - Lò Gốm… nhưng đã từng bước được khống chế.
Hạ tầng tiếp nhận và xử lý chất thải như hệ thống thoát nước và xử lý nước thải đô thị cũng được hoàn thành và đi vào sử dụng như Trạm xử lý nước thải số 1, công suất 3.000m³/ngày đêm, thuộc dự án xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải thành phố Biên Hòa giai đoạn 1, công suất 9.000m³/ngày đêm (tỉnh Đồng Nai); dự án thu gom, xử lý nước thải thị trấn Dương Minh Châu (tỉnh Tây Ninh); dự án xây dựng, nâng cấp hệ thống thoát nước và xử lý nước thải thị xã Đồng Xoài (tỉnh Bình Phước); Nhà máy xử lý nước thải đô thị Thuận An với công suất giai đoạn 1 là 17.000m³/ngày đêm.
Riêng tỉnh Bình Dương đã động thổ xây dựng Nhà máy xử lý nước thải đô thị Dĩ An với công suất giai đoạn 1 là 20.000m³/ngày đêm, dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2018... góp phần khắc phục tình hình ô nhiễm môi trường nước cục bộ tại các đô thị. Cả 11/11 tỉnh, thành đã hoàn thiện danh sách các nguồn thải trên địa bàn và đang tiếp tục xây dựng cơ sở dữ liệu nguồn thải và lập kế hoạch quản lý, trong đó gắn với việc yêu cầu lắp đặt trạm quan trắc tự động liên tục nước thải theo quy định.
Cùng với giải pháp đầu tư hạ tầng xử lý chất thải, hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm môi trường cũng được các cơ quan chức năng liên quan thắt chặt. Chỉ tính từ năm 2016 đến nay, Cục Cảnh sát môi trường đã phát hiện và xử lý 2.216 vụ việc vi phạm môi trường, ra quyết định xử lý vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt trên 200 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu vi phạm xả nước thải, khí thải, chất thải không đúng quy định; chôn lấp chất thải và khai thác khoáng sản trái phép; vi phạm quy định về quản lý và bảo vệ rừng.
Gỡ khó quản lý vùng giáp ranh
Không dừng lại đó, một trong những vướng mắc lớn nhất giữa các tỉnh, thành là công tác phối hợp trong quản lý, xử lý vấn đề ô nhiễm khu vực giáp ranh cũng được xây dựng, bổ sung ngày càng hoàn thiện. Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM nhấn mạnh, đơn cử như tỉnh Bình Dương và TPHCM đã phối hợp đầu tư hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải khu vực kênh Ba Bò.
Trong đó, tỉnh Bình Dương đã buộc các chủ đầu tư khu công nghiệp Sóng Thần 1 và 2 cải tạo hệ thống xử lý chất thải, đảm bảo nước thải sau xử lý mới được thải vào kênh Ba Bò. Riêng UBND tỉnh Bình Dương đầu tư hệ thống thu gom và xử lý nước sinh hoạt tại khu vực dân cư xung quanh kênh Ba Bò nhằm giảm thiểu xả nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý vào kênh. Về phía TPHCM đã đầu tư hồ xử lý sinh học để nâng cao hiệu quả nước thải chung của khu vực trước khi dẫn vào địa bàn quận Thủ Đức.
Ngoài ra, TPHCM cùng với 4 tỉnh Tây Ninh, Đồng Nai, Long An và Bình Dương cùng ký kết liên tịch thu gom, xử lý lục bình, cũng như các doanh nghiệp khu vực giáp ranh lén lút xả thải ra hệ thống sông Đồng Nai. Các địa phương khác đã chủ động tăng cường phối hợp trong phòng ngừa và xử lý ô nhiễm, suy thoái môi trường tại một số điểm nóng ô nhiễm. Chẳng hạn giữa tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận đối với vấn đề ô nhiễm sông Giêng.
Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ nhấn mạnh, những giải pháp được các tỉnh, thành dọc lưu vực hệ thống sông Đồng Nai thực hiện hiệu quả thời gian qua là rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa hiệu quả đạt được, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần sớm có nghiên cứu đánh giá sức chịu tải của các đoạn sông. Từ đó, làm cơ sở để lập quy hoạch và phân vùng xả thải phù hợp cho từng địa phương, tạo điều kiện để các tỉnh thẩm định, cấp phép, hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp.
Về phía tỉnh Tây Ninh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến cho rằng, cần có sự hợp nhất trong việc quản lý và hành xử với các doanh nghiệp vi phạm môi trường, tránh tình trạng tỉnh này không cho hoạt động vì có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường (hoặc có quy định tiêu chuẩn môi trường cao) nhưng tỉnh khác lại chấp nhận.
Ngoài ra, đại biểu các tỉnh, thành cũng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất Chính phủ có chính sách hỗ trợ kinh phí cho các tỉnh khó khăn như Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Phước… bảo vệ và tăng diện tích rừng đầu nguồn, đầu tư xây dựng hệ thống xử lý tập trung, hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp… để đảm bảo mục tiêu chung là bảo vệ hiệu quả chất lượng nguồn nước sông Đồng Nai - yếu tố sống còn của gần 30 triệu dân, cũng như hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của 11 tỉnh, thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.