Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) tìm cách tăng cường trồng lúa mì để đảm bảo an ninh lương thực tại quốc gia đất đai khô cằn và phải nhập khẩu 90% lương thực. Năm ngoái, Chính phủ UAE đã xây dựng một trang trại rộng 400ha ở thị trấn Mleiha của Sharjah và sử dụng nước khử muối để tưới tiêu. Trang trại Mleiha dự kiến sẽ đạt sản lượng khoảng 1.600 tấn lúa mì/năm, một bước tiến tới mục tiêu lớn hơn của đại gia dầu mỏ này là tăng cường trồng trọt. Trang trại không sử dụng thuốc trừ sâu, hóa chất và hạt giống biến đổi gene. Giới chức UAE cho biết, chi phí năng lượng để sản xuất 18.000m3 nước khử muối dùng cho tưới tiêu mỗi ngày sẽ tăng ít hơn khi dự án mở rộng quy mô lên tới 1.400ha vào năm 2025 và tiến tới 1.900ha.
Các nhân viên của trang trại Mleiha, UAE chuẩn bị phân bón cho lúa mì. Ảnh: Reuters |
Trang trại sử dụng trí tuệ nhân tạo và hình ảnh nhiệt để thu thập dữ liệu về thời tiết và thổ nhưỡng nhằm điều chỉnh tốc độ tưới và theo dõi quá trình tăng trưởng của cây trồng. Trang trại cũng bao gồm các cánh đồng thử nghiệm 35 loại lúa mì khác nhau từ khắp nơi trên thế giới trải rộng trên 2ha để tìm hiểu khả năng phù hợp với đất và thời tiết của UAE. “Chúng tôi cố gắng sử dụng công nghệ mới nhất trong trang trại. Đây là một nền tảng nông nghiệp đặc biệt, có thể giúp xác định lượng nước tưới đã sử dụng và lên kế hoạch lượng nước tưới cho những ngày tới”, ông Ibrahim Ramadan, quản lý trại lúa mì Mleiha, cho biết.
Israel từ lâu đã nổi tiếng là quốc gia ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, đồng thời có các chính sách khuyến khích sáng tạo và hỗ trợ hợp lý đối với nông dân. Điều kiện tự nhiên của Israel rất nghèo nàn khi toàn bộ đất nước nằm trong khu vực sa mạc và bán sa mạc, đất đai canh tác ít, kém màu mỡ, địa hình phức tạp, nhiều rừng và đồi dốc.
Tuy nhiên, sớm nhận thức được vai trò của sản xuất nông nghiệp, cùng với áp lực từ việc dân số tăng nhanh, Chính phủ Israel đã liên tục đầu tư xây dựng hệ thống trung tâm nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp. Người Israel đã làm nông nghiệp với 95% là khoa học và chỉ 5% lao động. Họ sử dụng phương pháp khử mặn đất, phát minh ra công nghệ tưới nhỏ giọt hiệu quả và thậm chí nuôi cá ngay trên sa mạc cằn cỗi.
Israel cũng là quốc gia duy nhất mà diện tích sa mạc đang được đẩy lùi, đứng đầu thế giới về tái chế nước, với tỷ lệ lên đến 70% lượng nước được tái chế. Không ưu đãi đầu tư trực tiếp cho nông nghiệp, nhưng Israel là nước có mức đầu tư cho nghiên cứu nông nghiệp thuộc loại cao hàng đầu thế giới.
Trong khi đó, các nhà khoa học Saudi Arabia cho biết, đã phát minh ra một hệ thống thông minh có khả năng sản xuất điện và nước, phục vụ cho việc phát triển cây trồng trên vùng sa mạc khắc nghiệt. Hệ thống thông minh này được đặt tên là WEC2P, viết tắt của hệ thống đồng sản xuất nước, điện, cây trồng. Theo đó, hydrogel sẽ hấp thụ nước có trong khí quyển, ngay cả ở những khu vực khô cằn nhất. Năng lượng mặt trời sẽ giúp làm nóng hydrogel và không khí xung quanh để tạo ra nước ngọt tưới cây. Nhóm nghiên cứu đã trồng rau bina (rau chân vịt) trên sa mạc Saudi Arabia vào tháng 6 khi nhiệt độ ban ngày lên tới 550C. 57 trong số 60 hạt giống rau bina được trồng đã phát triển đến 18cm. Giới chuyên gia cho rằng, phát minh mới sẽ không chỉ giúp giải quyết vấn đề khan hiếm nước vốn tác động tới 400 triệu người ở riêng khu vực hạ Sahara của châu Phi, mà còn góp phần vào việc cải thiện an ninh nguồn nước và môi trường.