Nhiều chương trình chỉnh trang, cải tạo hệ thống kênh rạch trong đô thị đã được triển khai như Chương trình cải tạo vệ sinh môi trường của thành phố, trong đó bao gồm nhiều dự án như dự án vệ sinh môi trường thành phố tại lưu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, dự án cải thiện môi trường nước lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, kênh Đôi - kênh Tẻ… Việc này đã từng bước mang lại cho thành phố một diện mạo mới khi các nhà lụp xụp trên và ven kênh rạch đã được giải tỏa, hệ thống thoát nước được nâng cấp, dòng nước các kênh đã từng bước trong xanh trở lại. Tiếp nối thành tựu và làm cho việc chỉnh trang đô thị mang lại kết quả tốt hơn, nên chăng có một số điều chỉnh.
Kênh Tàu Hủ - Bến Nghé sau khi được cải tạo Ảnh: KIM NGÂN
Nghiên cứu phân vùng trong quản lý cải tạo hệ thống kênh rạch
Chúng ta cần tổ chức nghiên cứu “phân vùng” trong quản lý phát triển đô thị (PTĐT) và nghiên cứu “kế hoạch” PTĐT cho từng vùng, khu vực cụ thể cũng như cho toàn thành phố thì chúng ta mới có thể giải được bài toán cải tạo đô thị đi đôi với nâng cao chất lượng sống của người dân và môi trường kiến trúc, cảnh quan đô thị qua việc di dời nhà ở ven, trên một số kênh rạch một cách căn cơ, bền vững. Chúng tôi, ngay khi còn trực tiếp tham gia vào công tác quản lý tại thành phố đã nhận thấy được tầm quan trọng của việc triển khai tiếp tục nghiên cứu “phân vùng” trong quản lý PTĐT. Sở dĩ nói là phải tiếp tục nghiên cứu vì khi nghiên cứu xây dựng đồ án “Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2025” được phê duyệt năm 2010, phía Công ty tư vấn Nikken Seikkei (Nhật Bản), đơn vị được thành phố giao cho đánh giá tình hình thực hiện đồ án “Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2020” được phê duyệt năm 1998 đã chỉ ra những bất cập của việc chúng ta đã không quan tâm đúng mức tới nghiên cứu “phân vùng” trong quản lý PTĐT và đã đề xuất bước đầu, TPHCM cần phân thành 3 khu vực gồm: khu vực nội thành hiện hữu (13 quận), khu vực nội thành phát triển (6 quận mới) và khu vực các huyện ngoại thành. Cũng chính từ những đề xuất ban đầu này mà trong Quyết định số 24 của Thủ tướng khi phê duyệt đồ án “Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2025” cũng đã có nội dung này, chỉ tiếc là chúng ta chậm thực hiện.
Nếu chúng ta thực hiện tốt việc nghiên cứu phân vùng này, chúng ta sẽ xác định được các mục tiêu, hình thành các tiêu chí, giải pháp, cơ chế, chính sách và nội dung cụ thể cho việc cải tạo hệ thống kênh rạch tương ứng cho từng khu vực.
Cải tạo theo hướng vừa kết hợp giữa bảo tồn và phát triển
Trong lần thực hiện công tác chỉnh trang di dời nhà ở ven, trên kênh rạch giai đoạn 2016-2020, chúng ta phải tiến hành nghiên cứu để có thể thực hiện được đồng bộ các mục tiêu đề ra như:
- Tổ chức lại môi trường sống, nhà ở cho người dân đô thị đang phải cư trú ven và trên kênh rạch bằng những khu nhà ở mới khang trang, hiện đại…
- Trong không gian đô thị, những kênh rạch sau khi được cải tạo sẽ tạo thành những “không gian mở” có giá trị to lớn có thể được ví như những “đại lộ lớn”, vì vừa có hệ thống đường giao thông, vừa có hệ thống công viên cây xanh kết hợp mặt nước… để có thể xây dựng một số công trình kiến trúc lớn như tại Singapore…
- Bảo tồn được những công trình kiến trúc có giá trị tại một số đoạn dọc theo các kênh rạch như chúng ta đã giữ lại được tại khu vực quận 1…
Hình thức nào?
Nghiên cứu áp dụng hình thức biên “chỉnh trang” hay biên “phát triển” - Khai thác phát triển quỹ đất hai bên đường ven kênh rạch mới mở. Hình thức này trong thời gian vừa qua đã được vận dụng khá thành công trong công tác cải tạo, phát triển một số trục giao thông chính tại thành phố. Việc vận dụng hình thức này trong quản lý cải tạo hệ thống kênh rạch tại một số khu vực sẽ khuyến khích việc hợp tác công tư và đem lại nguồn kinh phí đáng kể cho việc thực hiện các dự án trong giai đoạn nguồn kinh phí từ ngân sách thành phố còn bị hạn chế.
Đối với hình thức khai thác quỹ đất hai bên đường (hay còn gọi là “biên chỉnh trang” hay “biên phát triển”) được thực hiện bằng cách: thay vì giải tỏa theo diện tích ranh giới của con đường, dự án sẽ giải tỏa mở rộng thêm ranh đất ở hai bên đường, tạo ra một quỹ đất dự trữ, sau đó thực hiện đấu giá để thu hồi nguồn vốn đã được đầu tư, đồng thời bổ sung thêm ngân sách để hỗ trợ cho các hộ bị giải tỏa di dời. Phương thức này đã thực hiện khá thành công tại dự án đường Nguyễn Hữu Thọ, huyện Nhà Bè (thuộc đoạn nối từ đường Nguyễn Văn Linh đến Khu công nghiệp Hiệp Phước) với bề rộng 60m và chiều dài 7,5km, biên chỉnh trang mỗi bên giải tỏa thêm 75m, tổng diện tích thu hồi làm quỹ đất dự trữ là 87,55ha trên địa bàn 2 xã Phước Kiển và Nhơn Đức. Theo mô hình này, sau khi thu hồi đất dành cho công trình xây dựng đường và tạo ra quỹ đất dự trữ, tiền bán đấu giá diện tích đất hai bên đường không chỉ bù đắp được chi phí vốn đầu tư đã bỏ ra mà còn có thể tạo ra một quỹ đất đáng kể cho công tác đền bù và dành cho một số chương trình nhà ở xã hội. Tổng nguồn vốn bỏ ra ước khoảng 429 tỷ đồng trong khi tổng số nguồn thu từ kết quả bán đấu giá quyền sử dụng đất cho các công ty tư nhân, đã thu được trên 466 tỷ đồng.
Với thành công bước đầu khi thực hiện thí điểm đối với phương thức biên chỉnh trang đã mở ra một phương thức huy động vốn mới trong cải tạo, phát triển giao thông và hệ thống kênh rạch của thành phố. Từ thực tiễn có thể rút ra những điều kiện để đảm bảo mô hình biên chỉnh trang được vận dụng, đó là khu vực triển khai mô hình “biên phát triển” tạo đất dự trữ hai bên trục đường phải là đất đai thuộc khu vực vùng ven hoặc khu vực huyện ngoại thành, với mật độ dân cư vừa phải. Mô hình này rất khó áp dụng đối với các khu vực nội thị đông dân, chỉ nên áp dụng cho những khu vực có mật độ dân cư còn thưa thớt hoặc các trục đường mới kết nối với khu trung tâm với vùng ven, ngoại thành, nơi mà giá đất đền bù còn thấp.
Tổng hợp lại, theo chúng tôi, để thực hiện được công tác cải tạo đô thị đi đôi với nâng cao chất lượng sống của người dân và môi trường kiến trúc, cảnh quan đô thị qua việc di dời nhà ở ven, trên một số kênh rạch theo Chương trình chỉnh trang đô thị trong nhiệm kỳ này một cách khoa học, mang tính tổng thể với các mục tiêu đề ra, chúng ta cần chủ động nghiên cứu để đưa ra được đồng bộ một số các giải pháp điều chỉnh quy hoạch đô thị phù hợp tại các địa bàn có các kênh rạch chảy qua. Việc cải tạo hệ thống kênh rạch, di dời nhà ở ven, trên kênh rạch, bên cạnh những hiệu quả đem lại cho môi trường kiến trúc, cảnh quan đô thị còn mang một ý nghĩa to lớn về mặt xã hội, khi chúng ta không những tạo được một môi trường sống mới, văn minh - hiện đại cho những tầng lớp cư dân nghèo đô thị mà còn giúp cho họ có khả năng mưu sinh khi tới các khu ở mới. Trong thực tế, đây là cả một quá trình với những bước đi phù hợp, đòi hỏi không những quyết tâm chính trị mà còn là việc nghiên cứu giải cho được một bài toán kinh tế - xã hội vào loại phức tạp nhất .