Ngày 2-11, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội tổ chức hội nghị lần thứ 9 họp bàn cho ý kiến 3 nội dung quan trọng của thành phố, gồm: Báo cáo về tình hình nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi); Báo cáo về công tác tiêu thoát nước, giải pháp chống úng ngập; Dự thảo Nghị quyết của Ban Thường vụ Thành ủy về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Liên quan tới tình trạng úng ngập, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội chỉ rõ, thực tế cho thấy, Hà Nội "cứ mưa là ngập", gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới đời sống, sinh hoạt của nhân dân. Tình trạng này không chỉ xảy ra ở khu vực chưa được đầu tư hệ thống thoát nước, mà cả khu vực đô thị cũ - nơi đã được đầu tư cải tạo hệ thống thoát nước hay các khu đô thị mới được đầu tư hiện đại. Trong khi đó, các giải pháp mà các đơn vị trên địa bàn đang thực hiện mỗi khi xảy ra úng ngập chỉ là tạm thời. Qua kiểm tra các dự án cải tạo hệ thống thoát nước trên địa bàn thành phố đều chậm tiến độ đề ra và là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng úng ngập trên địa bàn.
Báo cáo về công tác thoát nước, giải pháp chống úng ngập ở Hà Nội, ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND Hà Nội cho biết, hệ thống thoát nước Hà Nội mới chỉ thực hiện đầu tư cơ bản hoàn chỉnh hệ thống thoát nước khu vực nội thành thuộc khu vực sông Tô Lịch với diện tích 77,5km2; còn lại các khu vực khác mới bắt đầu hoặc đang nghiên cứu đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước. Trong khi những năm gần đây, phát triển đô thị nhanh, hệ thống thoát nước đô thị chưa được đầu tư đồng bộ.
Một số khu vực có cốt địa hình thấp nên với những trận mưa có cường độ đến 70mm/giờ sẽ xuất hiện 11 điểm úng ngập, với lượng mưa đến 100mm/ giờ sẽ xuất hiện 30 điểm úng ngập tại nhiều tuyến phố chính và khu dân cư.