Mỗi ngày mở các trang mạng xã hội, đập vào mắt là nhan nhản bài viết, bình luận viết sai chính tả, trong đó phần lớn tác giả là các bạn trẻ. Với quan niệm Facebook, chat… là chốn để viết (nói) thoải mái, không gò bó nên nhiều bạn trẻ cố ý viết sai chính tả để tạo sự vui vẻ, cuốn hút. Dần dà, việc viết sai chính tả trên mạng xã hội đã không còn hiếm gặp, họ biến cái sai khác lạ trở thành chuẩn mực thông dụng của một bộ phận người sử dụng mạng xã hội. Thậm chí việc này còn trở thành trend (xu hướng).
Không dừng trên thế giới ảo, bây giờ ra đường, rất nhiều bảng hiệu, quảng cáo cố ý viết sai chính tả để gây chú ý như: Ốc nuộc sào me, trân gà xả tắc, nghao hấp, chứng nộn, lem trua, súc sích gián... Những bảng hiệu, slogan sai đang nhiều lên từng ngày.
Một bảng hiệu sai lỗi chính tả: Bấm huyệt thành bấm nguyệt |
Trước đây, do lỗi phát âm bị ngọng hoặc đặc điểm địa phương mới dẫn đến những lỗi chính tả giữa l và n, s và x… thì giờ đây người ta đang cố ý sai chính tả, chủ động viết chệch quy chuẩn tiếng Việt vì mục đích riêng. Cái sai đã không được kiểm soát, áp dụng đúng đối tượng, đúng hoàn cảnh, quan trọng hơn là sự thiếu tôn trọng với người đọc và chuẩn mực tiếng Việt.
Sai chính tả - không chỉ là chuyện nhỏ. Khi nền tảng về chính tả, ngữ pháp, ngôn ngữ thiếu hụt thì việc biến cái sai trở thành cái chuẩn phổ biến là nguy hại. Độ tuổi dùng mạng xã hội ngày càng trẻ hóa, trẻ em nếu đọc được những bài viết sai chính tả thường xuyên sẽ dần hình thành suy nghĩ đó là cách viết đúng, được phép viết như vậy. Học sinh đáng lẽ phải được học, rèn luyện sự chỉn chu, cẩn thận rèn luyện chữ viết, nuôi dưỡng tình yêu với sự trong sáng của tiếng mẹ đẻ thì được thảy vào môi trường hỗn độn về chuẩn mực của mạng xã hội.
Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt có thể không là trách nhiệm của riêng ai nhưng là việc mà tất cả chúng ta phải hành động. Người trưởng thành có nhiệm vụ đồng hành cùng những đứa trẻ xung quanh mình; người làm sáng tạo nội dung, truyền thông… phải bắt tay xây lại một chiếc rào chắn giữ gìn cho người trẻ sự tinh tế, chuẩn mực của ngôn ngữ mẹ đẻ.