Điều này gây ra không ít tranh luận, bởi lẽ V-League đã trải qua 6 tháng thi đấu, không lẽ không có cầu thủ nào đủ chất lượng để được lên tuyển. Đấy là chưa nói, một loạt cầu thủ đang chấn thương như Trọng Hoàng, Văn Hậu, Duy Mạnh, hoặc có phong độ không tốt như Xuân Trường, Tuấn Anh, Hồng Duy vẫn được triệu tập, trong khi đội trưởng của Hà Nội là Văn Quyết lại ngồi nhà.
Những chi tiết bất hợp lý của bản danh sách mà ai cũng thấy, đương nhiên là HLV Park Hang-seo không thể không biết. Việc nhà cầm quân người Hàn Quốc chấp nhận mạo hiểm với những bất hợp lý ấy, chắc chắn là có lý do.
Cái lý thứ nhất: Nhiều thì chưa chắc đã tốt. Đội tuyển Việt Nam chỉ có 5 ngày tập trung trước khi chốt danh sách còn 23 cầu thủ sang Thái Lan và cũng chỉ có tối đa 14 cầu thủ để ra sân thi đấu. HLV Park Hang-seo đã có trong tay bộ khung quen thuộc được xây dựng từ Asian Cup 2019 đến nay. Việc thay thế nếu có diễn ra cũng rất hạn chế. Có gọi lên thêm chục cầu thủ nữa thì cũng không nói lên được điều gì. Thậm chí còn tạo ra xáo trộn nội bộ, ảnh hưởng tâm lý cho những người được gọi rồi lại bị trả về.
Cái lý thứ hai: Vòng loại World Cup là một thể thức thi đấu kéo dài đến 2 năm, nên không có danh sách đăng ký cầu thủ cố định. Các đội bóng thường không có thời gian tập trung và chọn lọc cầu thủ, thay vào đó là tùy từng hoàn cảnh, đối thủ, phong độ của cầu thủ ở từng thời điểm mà các HLV sẽ quyết định sử dụng đội hình nào là tối ưu nhất. Cách đây 3 tháng, chúng ta đã đánh bại Thái Lan ở King’s Cup, thì việc HLV Park Hang-seo giữ nguyên đội hình cho trận tái đấu sắp đến là hết sức bình thường, trừ khi ra số trụ cột 3 tháng trước đồng loạt đánh mất phong độ.
Xáo trộn con người khi chẳng có thời gian để rèn luyện chẳng khác nào thay đổi công thức chiến thắng mà đội tuyển Việt Nam đang có trước Thái Lan. HLV Park Hang-seo chọn sự ổn định thay vì cố gắng tạo ra sự bất ngờ về nhân sự đối với người Thái. Như vậy, dù không có “địa lợi” thì đội tuyển có ưu thế về “thiên thời” và “nhân hòa”.
Cuối cùng, HLV Park Hang-seo vẫn đang đặt niềm tin vào cầu thủ trẻ. Như đã biết, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đang muốn ký hợp đồng dài hạn với ông Park, và trong trường hợp nhà cầm quân này đồng ý, thì tiêu chí quan trọng nhất vẫn là xây dựng đội ngũ kế thừa, cũng như duy trì sự ổn định ở đội ngũ hiện tại. Có đến 4 cầu thủ của đội tuyển U22 được gọi lên tuyển mặc dù cùng thời gian này, đội U22 cũng có trận giao hữu quan trọng với Trung Quốc.
Chi tiết này cho thấy HLV Park Hang-seo không phải là không tìm thấy nhân tố mới từ V-League, nhưng ông ưu tiên cho các cầu thủ trẻ bởi chính họ mới là những người sẽ làm việc cùng ông trong nhiều năm nữa. Về lý thuyết, đây chỉ mới là trận đầu tiên tại vòng loại World Cup, thua trận cũng chưa phải là thảm họa, có sai lầm thì cũng có thời gian để sửa chữa. Những người chưa được gọi lần này có thể sẽ lên tuyển ở lần sau. Bên cạnh những trận đấu World Cup, còn phải chuẩn bị cho vòng chung kết U23 châu Á vào đầu năm 2020. Những giải đấu liên tục ấy sẽ cần rất nhiều nhân lực và nếu cầu thủ nào có khát vọng cống hiến, họ cần phải giữ được sự cố gắng và niềm tin sẽ được HLV Park Hang-seo triệu tập.
Đó là những cái lý có thể hiểu được của HLV Park Hang-seo. Quan trọng hơn, đó là sự kiên định, tính chuyên nghiệp của một HLV nước ngoài. Sẽ không có HLV Việt Nam nào đủ dũng cảm loại bỏ Văn Quyết trước một trận đấu quan trọng, cần nhiều kinh nghiệm thi đấu. Cũng không dễ có HLV nội nào bỏ qua nguồn cung cấp từ lò SLNA, đội bóng đang đứng hạng 4 ở V-League. Sự cả nể, áp lực dư luận và tầm nhìn ngắn hạn đối với những mục tiêu đường dài… vốn là rào cản lớn nhất của các HLV ưa chuộng thành tích ngắn hạn.
Việc ông Park không ngại chỉ trích, duy trì số lượng lớn cầu thủ của HA.GL, tín nhiệm những người làm việc lâu với mình, là một thông điệp đề cao sự thống nhất, gắn kết ở đội tuyển Việt Nam. Nói cho cùng, trận đấu với Thái Lan chỉ mới là khởi đầu của giấc mơ World Cup. Để đi cho đến tận cùng giấc mơ ấy, chúng ta cần nhiều hơn lòng tin, sự ủng hộ, lòng dũng cảm chứ không phải những tranh cãi xung quanh chuyện ai xứng đáng lên tuyển hơn ai.