Trăn trở bảo tồn nghệ thuật truyền thống
Sau giai đoạn 2000-2010 gặp nhiều khó khăn, những năm gần đây, sân khấu cải lương tuồng cổ TPHCM đã dần lấy lại phong độ. Dù vẫn còn đó rất nhiều khó khăn như thiếu mặt bằng tập luyện, biểu diễn; chi phí đầu tư dựng cảnh, thuê âm thanh, ánh sáng hiện đại ngày càng cao; thiếu hụt nghiêm trọng đội ngũ sáng tác kịch bản sân khấu mới…, nhưng các đoàn hát, sân khấu vẫn nỗ lực không chỉ làm nghề mà còn mang đến nhiều sáng tạo cho loại hình sân khấu cải lương tuồng cổ để thu hút khán giả hiện nay.
Đã xuất hiện nhiều đoàn hát, sân khấu biểu diễn được khán giả yêu thích, như: Sân khấu của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, rạp Hồng Liên ở quận 6; các đoàn hát: Minh Tơ, Huỳnh Long, Chí Linh - Vân Hà, Đồng Ấu Bạch Long, Sân khấu Vũ Luân, Sân khấu Lê Nguyễn Trường Giang…
Thế nhưng, bên cạnh đó, việc khán giả ngày càng yêu thích cải lương tuồng cổ cũng làm nảy sinh thực tế là một số đơn vị nghệ thuật đã bỏ qua việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị nghệ thuật sân khấu tuồng cổ mang đậm bản sắc văn hóa Việt. Các đoàn hát, sân khấu này chỉ tập trung chạy theo doanh thu, thị hiếu khán giả, thực hiện không ít vở tuồng cải lương mang sắc màu văn hóa ngoại lai, từ nội dung câu chuyện đến âm nhạc, phục trang, cảnh trí…
Các đoàn hát này để tiết kiệm chi phí đã lấy lại các tuồng tích cũ, chỉnh sửa lại một đôi chỗ, thêm thắt vào vài bài vọng cổ, lý, bài bản cải lương rồi gắn mác cải lương tuồng cổ Việt, gây hiểu nhầm nơi khán giả khi đánh đồng cải lương tuồng cổ Việt với các loại hình sân khấu khác.
Sự nhầm lẫn của khán giả còn đến từ một vấn đề khác là việc đầu tư, phát triển đội ngũ thầy đờn đúng bài bản, chuyên nghiệp ngày càng bị buông lỏng. Hầu hết việc đào tạo nghệ nhân đờn ca tài tử đều mang tính truyền nghề, đào tạo chuyên môn rất hiếm, các trường chuyên ngành chủ yếu đào tạo người ca, còn người đờn quá ít ỏi. Đó là chưa kể từ người đờn thành nghệ nhân, thầy đờn là một quá trình lâu dài, đòi hỏi nhiều nỗ lực trong khi đãi ngộ lại chưa tương xứng.
Điều này dẫn đến một tình trạng các nghệ nhân đệm đàn chủ yếu sử dụng cây orgran làm nhạc cụ chung cho mọi loại hình, từ tuồng sử Việt đến tuồng tích xưa. Hệ lụy của việc này là khiến âm nhạc của các vở trở nên na ná nhau, khán giả không phân biệt đâu là tuồng cổ thuần Việt, đâu là tuồng cổ Hồ Quảng. Trong khi ngày trước, chỉ cần nghe tiếng đờn dạo là khán giả yêu cải lương đã biết ngay vở dạng gì.
Áp dụng công nghệ hiện đại vào loại hình sân khấu truyền thống như cải lương tuồng cổ được xem là một bước tiến tất yếu. Tuy nhiên, thực tế không phải lúc nào công nghệ cũng mang đến ảnh hưởng tích cực. Điển hình như việc sử dụng màn hình led trong khâu dựng sân khấu.
Nếu trước đây việc dựng sân khấu đòi hỏi người thiết kế phải có tay nghề, đọc hiểu nội dung vở diễn, có kiến thức tổng quát về lịch sử, kiến trúc, mỹ thuật… thì nay chỉ cần tìm hình ảnh trên mạng, đưa lên màn hình là xong. Hệ quả là nhiều trường hợp do thiếu đầu tư nghiên cứu nội dung nên hình ảnh không ăn nhập gì với vở diễn.
Thậm chí, họa sĩ Lê Văn Định, người có nhiều năm kinh nghiệm dựng sân khấu, đã phải than thở: “Hình ảnh trình chiếu nhiều lúc không phù hợp, đi ngược với nội dung vở diễn, thậm chí nội dung Việt Nam mà hình ảnh là kiến trúc ở tận Trung Đông!”
Định hướng đúng để giữ gìn và phát triển
Nhắc đến cải lương tuồng cổ Việt hiện nay không thể không nhắc đến vai trò của NSND Thanh Tòng. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, NSND Thanh Tòng, con của ông bầu Minh Tơ và người chú ruột là nhạc sĩ Đức Phú đã có công lớn trong việc “lột xác”, thay đổi mạnh mẽ cải lương tuồng cổ Việt Nam như sử dụng dàn nhạc cổ kế thừa từ âm nhạc hát bội, để các vở diễn hoàn toàn là của người Việt. Ngoài ra, ông cũng nỗ lực để đưa cải lương tuồng cổ tiếp cận, sử dụng chất liệu lịch sử dân tộc.
Chia sẻ về điều này, NSND Quế Trân, con gái NSND Thanh Tòng, tâm tư: “Để duy trì, phát huy các nỗ lực đó của NSND Thanh Tòng, cần sự đồng lòng từ tất cả các sân khấu. Tôi rất mong, thành phố sẽ tạo điều kiện, động viên và định hướng để các sân khấu cùng chung sức gìn giữ và phát huy các giá trị nghệ thuật sân khấu truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa Việt”.
Tại cuộc tọa đàm “Thực trạng và giải pháp phát triển sân khấu cải lương tuồng cổ trên địa bàn TPHCM hiện nay” vừa diễn ra ở TPHCM, nhiều đại biểu tham dự đã nhấn mạnh đến việc cần có sự thay đổi trong việc đào tạo để sân khấu cải lương tuồng cổ thật sự chuyển mình.
Như với khâu kịch bản, vấn đề luôn được xem là nền tảng của sân khấu, hầu hết các đại biểu đều thừa nhận một thực trạng thiếu hụt các cây bút sáng tác gắn được sân khấu cải lương với đời sống hiện nay.
NSND Trần Minh Ngọc băn khoăn: “Sân khấu cải lương truyền thống muốn nâng cao, đổi mới, việc đầu tiên là phải đầu tư cho đội ngũ viết kịch bản. Một thời gian dài chúng ta lãng quên họ, trong khi đó cái mới xuất hiện mỗi ngày, đòi hỏi người viết cần phải cập nhật với thời đại để vở diễn đến gần hơn với khán giả. Ngay cả kịch lịch sử cũng cần cách thể hiện mới, tư duy mới. Dĩ nhiên, nên gìn giữ, bảo tồn những tác phẩm hay, có giá trị nghệ thuật cao, đã đi sâu vào lòng khán giả nhiều thế hệ”.
Tại tọa đàm, nhiều nghệ sĩ đã đề xuất cơ quan quản lý văn hóa cần nắm rõ thực trạng của các đơn vị nghệ thuật cải lương tuồng cổ xã hội hóa tại TPHCM, những thuận lợi, bất cập, khó khăn của các đơn vị và có định hướng, hỗ trợ phù hợp; đề xuất TPHCM nên tổ chức một liên hoan dành riêng cho sân khấu cải lương lịch sử.
“Liên hoan vừa là để khuyến khích các đơn vị xây dựng nhiều tuồng sử Việt, vừa tạo cơ hội tìm kiếm những vở hay, đạo diễn giỏi, nghệ sĩ giỏi để đầu tư, hỗ trợ, từ đó khuyến khích các sân khấu thực hiện về đề tài lịch sử dân tộc”, họa sĩ Lê Văn Định, cho biết.
NSND Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở VH-TT TPHCM, thông tin: “Cuối năm 2024, TPHCM sẽ tổ chức Liên hoan Sân khấu TPHCM lần 1 năm 2024. Liên hoan sẽ được tổ chức 2 năm/lần dành cho từng loại hình sân khấu. Trong lần đầu này sẽ dành cho kịch nói. Dự kiến lần thứ 2 sẽ dành riêng cho cải lương.
Bên cạnh đó, sở cũng đã trình thành phố xem xét đề án trong năm 2025 chú trọng đầu tư cho việc đưa đề tài sử Việt vào các loại hình nghệ thuật, trong đó có sân khấu. Các vở có nội dung tốt, không phân biệt trong hay ngoài công lập đều sẽ được hỗ trợ dàn dựng, biểu diễn phục vụ người dân”.