13 tham luận và các ý kiến phát biểu tại hội thảo đã nêu bật những khó khăn và thách thức của nghệ thuật cải lương trong đời sống xã hội hiện đại; đánh giá lại vai trò, tầm quan trọng, những vấn đề cấp bách cần giải quyết của công tác đào tạo chuyên ngành nghệ thuật sân khấu truyền thống.
Đổi mới công tác tuyển sinh, đào tạo
Theo NSƯT Ca Lê Hồng: “Vấn đề của sân khấu hôm nay là việc đào tạo đội ngũ làm nghề chuyên nghiệp, giỏi nghề. Với trường, trước mắt cần chú trọng đào tạo đội ngũ diễn viên, nhạc công. Công tác đào tạo cũng cần phối hợp giữa cách dạy truyền nghề và phương pháp sư phạm khoa học, giảng dạy chuyên sâu, từng bước lên đại học. Hơn thế, cần suy nghĩ phương cách tuyển sinh đầu vào để đào tạo ra những tài năng giỏi. Cần thực chất, không cần số lượng. Muốn đầu vào đào tạo tốt thì phải đi vào cuộc sống, tìm kiếm giọng ca hay để tuyển sinh. Trước đây, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang đã làm rất tốt công tác đào tạo, cho ra lò những nghệ sĩ giỏi nghề như Thanh Thanh Tâm, Kim Tử Long, Thoại Mỹ… Lĩnh vực cải lương chưa chú trọng đi sâu đào tạo người giỏi nghề”.
Không thể phủ nhận thực trạng lực lượng tuy đông đảo nhưng người giỏi, tâm huyết với nghề không nhiều. Không ít giọng ca hay vừa trải qua một hai cuộc thi tài năng đã vội chạy sô kiếm sống, không đầu tư phát triển nghề.
Trong khi đó, nguồn tuyển sinh của trường lại không thu hút được bạn trẻ có năng khiếu về học tập, rèn luyện, dù trường có chế độ ưu đãi riêng dành cho khoa Kịch hát dân tộc. Tuyển sinh cũng gặp khó vì cho dù có giọng ca hay nhưng không có bằng cấp 3 nên nhiều em không thể vào trường học.
NSND Thanh Hải cho rằng: “Đối với công tác đào tạo, đầu vào quan trọng, đầu ra còn quan trọng hơn. Chúng ta nên mời thêm nghệ sĩ giỏi nghề về giảng dạy, thu hút thí sinh hơn. Giảng viên cũng nên suy nghĩ cách thức nào đó truyền dạy khác đi, tạo sức hấp dẫn. Công tác đào tạo đạo diễn sân khấu hiện nay cũng đáng lo khi nhiều đạo diễn không am hiểu âm nhạc cải lương”.
Thầy Xuân Hiểu băn khoăn: “Chương trình đào tạo của chúng ta hiện nay quá cũ, cần gạn đục khơi trong, nâng chất lượng giáo trình phù hợp, bỏ bớt những bất hợp lý. Đào tạo cần phải có quá trình nghiên cứu, thu thập, lưu lại tất cả tinh túy của ông cha để bổ sung vào giáo trình. Ngay cả phương pháp đào tạo cũng cần thay đổi. Thầy trẻ bằng cấp tốt, lý luận tốt, nhưng trình độ nghề nghiệp còn yếu quá! Tôi có ước mơ đối với ca kịch nói chung và cải lương nói riêng, muốn các em từ cấp 2 lên cấp 3, học trung cấp cải lương, vừa học bài bản nền tảng cải lương vừa học giáo trình phổ thông, rồi sau đó học lên 4 năm đại học. Như vậy mới mưa dầm thấm lâu!”.
Làm mới nghệ thuật cải lương
Thực trạng của sân khấu cải lương hôm nay còn nhiều tồn tại là do nhiều nguyên nhân, nhưng yếu tố quyết định chính vẫn là những người làm nghề. Ông “bầu” Huỳnh Anh Tuấn cho biết: “Cải lương tồn tại vì đây là một loại hình giải trí. Khán giả thấy hay thì xem, không hay thì không xem. Thế nên, cải lương phải luôn tự làm mới để thu hút khán giả. Cần lắng nghe khán giả cần gì, nhà sản xuất cần gì, đánh giá nhu cầu có thật của xã hội ở mức độ nào thì mình đầu tư đến đó”.
NSND Hà Quang Văn trăn trở: “Từng có một thời cải lương đưa lên sân khấu những vấn đề mới, hợp thời đại, hấp dẫn, thu hút khán giả đến xem chật rạp. Nay, khán giả ít đến với cải lương vì hiếm vở hay, cả kịch cũng vậy. Cải lương gặp khó khăn thách thức là xu thế chung của thời đại, thế nên, bàn về cải lương là phải đổi mới, phải có những vở có sáng tạo táo bạo để thu hút người xem. Xưa, khán giả đi tìm nghệ sĩ; nay, nghệ sĩ phải đi tìm khán giả.
Bên cạnh đó, cũng cần xem lại việc giải tán, hợp nhất các đoàn cải lương vào các trung tâm văn hóa - nghệ thuật các tỉnh thành có phải là sai lầm hay không. Theo tôi, đó là việc làm nghiệp dư hóa cải lương, hạ thấp vị trí văn hóa cải lương trong xã hội. Một khi đã nghiệp dư hóa cải lương thì rất khó bảo tồn, phát triển”.
Hội thảo đã khép lại với nhiều gợi mở cho công tác đào tạo, đồng thời cũng lưu lại nhiều băn khoăn, trăn trở vì còn quá nhiều vấn đề tồn tại, những bức xúc, lo lắng của người làm nghề đối với sự gìn giữ và phát huy các giá trị nghệ thuật của sân khấu cải lương trong đời sống hôm nay, hướng đến tương lai.