Cái lu, cái khạp

Nhịp sống thị thành, đất chật người đông, từ thiết kế nhà cửa, công trình đến các vật dụng trong gia đình đều ưu tiên tính gọn nhẹ, đa công năng và ít chiếm diện tích.

Hình ảnh cái lu, cái khạp như một câu chuyện “lỗi thời” giữa phố thị xa hoa. Người ta nhắc về nó, luôn đi kèm một miền quê yên ả nào đó, nơi ruộng đồng cò bay thẳng cánh, trước cửa nhà hay sau hè thoáng đãng một hàng lu.

Xuôi về miệt đồng bằng sông Cửu Long, đi sâu vào những xóm làng mà tốc độ đô thị hóa còn chưa tới kịp, may ra mới có vài gia đình còn để những cái lu trữ nước. Nhiều chục năm về trước, nhà nào có hàng lu trước cửa, vài ba cái lu sau hè thì hẳn phải là gia đình từ khá giả đến có điều kiện. Bởi có tiền sắm cả hàng lu trữ nước mưa, thì trong nhà cũng phải có của ăn của để một chút.

Lu chứa nước mưa thân thuộc ở những miền quê Nam bộ. Ảnh: ĐỖ TÌNH
Lu chứa nước mưa thân thuộc ở những miền quê Nam bộ. Ảnh: ĐỖ TÌNH

Với những lớp người lớn lên nơi miệt vườn, tuổi thơ gắn liền với ruộng đồng, con sông thì ngụm nước mưa không chỉ mát lạnh nơi cổ họng mà tưới mát cả một dặm dài trưởng thành trong đời. Để rồi mỗi lúc xa quê nhớ nhà, đâu đó những chiều mưa giờ tan tầm hay cơn mưa tầm tã lúc trời chưa sáng, người ta lại da diết nhớ hàng lu chứa nước mưa của má, nhớ ngụm nước mưa mát ngọt áp đảo cả bầu trời đang nắng như đổ lửa lên đầu.

Nhỏ hơn cái lu, dáng vẻ ít bề thế, ít thô kệch hơn là cái khạp. Cái khạp trong nhà thì rất nhiều công dụng, mùa tết má thường làm một khạp cải muối chua để dành ăn dần. Nhà nào khéo tay hơn, nguồn huê lợi tôm cá dồi dào thì thường làm một hai khạp mắm, chừng khi mắm ăn được thì đem chia cho bà con, chòm xóm mỗi người một chút ăn lấy thảo. Nhưng phổ biến hơn hết là cái khạp đựng gạo, gần như nhà nào cũng có, bởi gạo mà đựng trong khạp thì đố con chuột nào đụng nổi một hột.

Cái khạp gạo cũng là nơi mà tía má để dành bao “của ngon vật lạ” cho sắp nhỏ, đó là trái bình bát vừa mới hườm hườm, đem bỏ vô khạp gạo vài ngày thì chín vàng ươm, thơm phức; trái mãng cầu ta cũng vậy. Hay mỗi khi nhà có giỗ, thằng Hai, con Út còn đi học chưa về kịp, má để dành cho mấy cái bánh ít cũng thường bỏ trong khạp gạo, đợi tụi nhỏ về thì dặn, nhớ lấy mà ăn chứ để bữa sau bánh nó thiu.

Cái lu, cái khạp cũng là một vật dụng trong nhà, mà năm dài tháng rộng cũng đến lúc hư hao, vậy nhưng “nát vỏ cũng còn bờ tre”, tía thường đập nhỏ ra, miểng sành thay thế cho lớp gạch đá, đắp vá con đường vô nhà mùa mưa cho đỡ sình lầy. Hay cái lu bị nứt, không đựng nước mưa được thì chuyển vô nhà, cất tạm vài món đồ ít dùng tới, khỏi lo bụi bặm hay gián chuột nào bén mảng tới được, và phải có nắp đậy chắc chắn.

Cũng vì lẽ đó mà quanh hình ảnh cái lu, cái khạp không chỉ là chuyện đựng cái gì, gói ghém cái gì mà nó còn là hình bóng của gia đình. Cái lu, cái khạp đôi khi còn gắn liền với cả tuổi thơ của nhiều người. Bởi mấy chục năm gắn bó với cái lu, cái khạp, đến một lúc những vật dụng thay thế khác tiện ích hơn có mặt, người ta chợt giật mình khi bắt gặp bên hông nhà ai vẫn còn lừng lững hàng lu chứa nước.

Tin cùng chuyên mục