Phân bón nhập khẩu tăng giá đã đành, phân bón trong nước sản xuất cũng tăng giá. Đặc biệt, tháng 6, giá phân bón gần như tăng mỗi ngày. Lý giải về điều này, đại diện một công ty phân bón cho biết, do giá nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất phân bón tăng, thậm chí có nguyên liệu tăng gấp 80 lần, chưa kể nhiều chi phí khác cũng tăng như giá cước vận chuyển, nhân công, xăng dầu…
Trước thực trạng giá phân bón tăng cao, nhiều giải pháp trồng trọt thân thiện với môi trường, hạn chế sử dụng phân bón đã được người dân mày mò tìm ra. Đơn cử như mô hình canh tác thuận thiên không sử dụng nhiều phân bón mà chủ yếu phụ thuộc vào thời tiết, khí hậu, môi trường… đã phát triển. Phương thức này không cho năng suất cao nhưng bù lại, bán được giá hơn do đây là sản phẩm sạch. Hoặc như nghiên cứu chế tạo phân bón từ vỏ trái cây, vỏ hạt cà phê… đang được ứng dụng ở nhiều địa phương khu vực Tây Nguyên. Theo cách này, nông dân ủ các loại phụ phẩm nông nghiệp này thành phân bón hữu cơ. Giải pháp này vừa góp phần bảo vệ môi trường vừa tạo ra nguồn phân bón tốt cho cây trồng, giúp nông dân tiết kiệm chi phí. Bên cạnh đó, nhiều nông dân cũng thay đổi cách bón phân, kết hợp các loại phân chậm tan, hòa phân vào hệ thống tưới nước nhỏ giọt để giảm chi phí.
Có thể giá phân bón sẽ giảm, nhưng cách trồng trọt như trên vẫn là hướng đi bền vững cho một nền nông nghiệp sạch, thân thiện với môi trường mà ngành nông nghiệp cần khuyến khích. “Trong cái khó, ló cái khôn”, kinh nghiệm của những người đi trước một lần nữa phát huy hiệu quả, rất hợp lý mà chúng ta cần ghi nhận.