Nghe âm sắc hơi nặng, “răng, rứa, mô, tê”, thế nào cũng người quê miền Trung; giọng phát âm chuẩn hơn, âm điệu nhanh hơn một chút, đa phần người đến từ miền Bắc. Giọng miền Nam nghe qua dễ biết, có người nhận xét nghe hơi đớt đớt bởi cách phát âm thường theo kiểu quen miệng, mang âm sắc phương ngữ Nam bộ nhiều hơn. Nói thẳng ra thì cái giọng nghe quê trớt.
Điệu bộ nhà quê nhưng khiến khách phương xa vừa nghe lần đầu cũng thấy dễ chịu, bởi trong âm sắc của tiếng nói đủ nhẹ, đủ chậm, một cách gần gũi rất tự nhiên.
Người phương Nam thường không câu nệ trong cách nói, phát âm quen miệng nên thành ra khi viết cũng dễ sai lỗi chính tả một cách rất Nam bộ, như dấu ngã và hỏi, “r”- “d”- “g”, “tr”- “ch”, “o”- “ô”… Lỗi phát âm “r”- “g” dễ biết là dân Bến Tre.
Dân miệt vườn hay ghẹo nhau câu nói “Bắt con cá gô, bỏ trong gổ, nhảy gồ gồ” (Bắt con cá rô, bỏ trong rổ, nhảy rồ rồ). Hay nghe qua cách xưng hô khi nói chuyện, như: “chế” (chị), “hia” (anh, chú)… chính hiệu dân miệt thứ (Kiên Giang), Sóc Trăng, Bạc Liêu…
Có lẽ trong cách gọi nghe thương nhất, mang nét đặc trưng phổ biến ở đất phương Nam là tiếng gọi tía, má. Người miền Nam, nhất là Tây Nam bộ, thường gọi ba mẹ là tía, má. Tiếng má vừa gần vừa thương, bởi má không chỉ là má đẻ ra mình, mà chị em của má thay vì gọi dì, nhiều người cũng gọi theo thứ tự trong nhà như: má Bảy, má Tư… Và bất kể quen lạ, đi chợ gặp cô bán rau, dì bán cá, ông chú xe ôm trạc tuổi ba mẹ mình người ta cũng gọi: “Má ơi, cá này bán sao?”, “Cải này bao nhiêu một ký vậy má?” hay “Từ đây qua đó, nhiêu tía?”…
Cái giọng quê trớt lắm khi cũng làm khách phương xa lưu luyến, bởi trong cách nói, câu cảm thán cũng đậm nét phương ngữ miệt vườn như: “Mèn đét ơi”, “Dữ thần hôn”, “Nhớ nghen”, “Cảm ơn nghen”… Chỉ cần nghe qua, đôi khi còn chưa rõ ý nhau, nhưng cầm chắc đó là người phương Nam, cách nói đặc trưng không lẫn với nơi nào được.
Để làm quen với một ai đó, thích nghi với vùng đất nào đó, dễ nhất chính là cách trò chuyện. Bắt chuyện với người miền Trung, người ta thường xưng hô là o, nhấn nhá mô, tê… Hay nhóm bạn ở lớp đại học của tôi, cũng bắt đầu sang giọng miền Nam, thỉnh thoảng lại ghẹo nhau: “Ăn cơm dồi hả?” (Ăn cơm rồi hả?), quen dần với cách hỏi: “Hôm nay, có đi mần hông?” (Hôm nay, có đi làm không?).
Trong mớ hành trang của những người xa quê, có lẽ đặc trưng văn hóa ở vùng đất mà họ sinh ra và lớn lên, một loại hành lý vô hình nhưng luôn bên cạnh dù là ở đâu. Công việc, học hành tất nhiên phải sử dụng từ ngữ toàn dân, có khi đòi hỏi người ta giao tiếp tiếng nước ngoài… Nhưng đâu đó, bất chợt nghe giọng “răng, rứa” người ta nhận ra đồng hương đất miền Trung dặm dài nắng gió, phát âm lộn giữa “l”- “n” thể nào cũng là chị gái, anh trai đất Bắc hay câu hỏi bằng giọng quê trớt: “Mần ăn khá hông mày?” (Làm ăn khá không mày?) biết ngay ông chú dân miệt vườn thứ thiệt.
Mỗi vùng đất một bản sắc, bản sắc đó nuôi dưỡng tâm hồn con người ta qua bao thế hệ để rồi mỗi người là một bản sắc riêng ở vùng đất hội tụ và khi gặp đúng điệu quê mình lại rôm rả chuyện trò. Đất Nam bộ, miền Trung hay xứ Bắc đều có những giọng điệu, âm sắc cho riêng mình để người ta nhận ra người quê mình qua vài câu chào hỏi… Hay giữa phố xá xa lạ, hiện đại, nghe giọng quê trớt, chợt người ta thấy lòng mình như ấm lại một lời ru miệt vườn, một làn gió mát thổi từ dòng sông chở nặng phù sa.