Muộn nhưng cần thiết
CSGM Xuyên Á sau 1 tháng bị phát hiện và tạm ngưng hoạt động đã có những chuyển động tích cực. Chủ cơ sở đã nâng cấp sửa chữa cơ sở vật chất cũng như hoàn tất việc tiêu độc khử trùng toàn bộ CSGM dưới sự giám sát của cán bộ thú y.
Ngoài ra, đã lắp đặt 40 camera ở khu vực chuồng tồn trữ và khu vực nhập heo và bàn giao cho Chi cục Thú y giám sát. Để không xảy ra tình trạng tiêm thuốc an thần, chủ CSGM chỉ tiến hành lập hợp đồng kinh doanh với thương nhân có đăng ký kinh doanh.
7 tiểu thương tham gia hoạt động giết mổ heo tại CSGM Xuyên Á (được cơ quan chức năng lấy mẫu kiểm tra ngày 29-9 và cho kết quả âm tính với tất cả các chỉ tiêu xét nghiệm) đã ký cam kết chấp hành nghiêm mọi quy định và hướng dẫn của các cơ quan chức năng.
Toàn bộ công nhân tham gia giết mổ phải được khám sức khỏe và tập huấn đầy đủ về kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm. Tất cả heo đưa vào CSGM phải có nguồn gốc rõ ràng, vòng truy xuất với thông tin đầy đủ.
Tuyệt đối không sử dụng thuốc an thần hoặc bất cứ chất cấm nào tiêm cho heo trước khi giết mổ; không bơm nước vào heo. Nếu phát hiện, CSGM sẽ chấm dứt hợp đồng gia công và thương nhân đó phải chịu mọi hình thức xử lý theo quy định pháp luật.
Ngoài ra, các thương nhân cam kết tăng cường giám sát lẫn nhau về hoạt động giết mổ của thương lái tại CSGM và báo cáo tình hình kịp thời cho cơ quan chức năng. Tuân thủ và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình hoạt động của cơ sở. Tự nguyện tiêu hủy toàn bộ lô heo nếu cơ quan chức năng test mẫu phát hiện có bất kỳ chất cấm nào. Cam kết với mỗi con heo giết mổ…
Để ngăn ngừa trường hợp tiêm chích trước khi vận chuyển đến CSGM, tài xế vận chuyển cũng phải ký cam kết heo không bị tiêm bất kỳ chất cấm nào từ hộ hoặc trại chăn nuôi cho đến khi về đến cơ sở. Cam kết này phải được ký tại cổng bảo vệ trước khi vận chuyển vào CSGM.
Tất cả thương lái phải ký hợp đồng và cam kết như trên với tiểu thương có hợp đồng thuê CSGM. Trường hợp tiểu thương và thương lái không thực hiện đúng cam kết đã ký, CSGM sẽ ra thông báo gửi đến cơ quan thú y đề nghị ngưng không tiếp nhận, không kiểm dịch đóng dấu giết mổ cho heo và tiểu thương không được khiếu nại.
Có thể nói, đây là kinh nghiệm đau thương trong vấn đề kinh doanh mà trước đó chủ CSGM chưa lường hết hậu quả cũng như những tình huống có thể xảy ra trong quá trình hoạt động nên đã cố gắng hoàn thiện, bịt các kẻ hở nhằm hạn chế đến mức tối đa những gì có thể xảy ra trong tương lai.
Không thể đổ sông đổ biển
Việc phát hiện tiêm thuốc an thần trên heo trước khi giết mổ ở CSGM Xuyên Á là giọt nước tràn ly. Bởi sự việc này thực tế đã diễn ra nhiều năm và không chỉ xảy ra ở một lò giết mổ hay một địa phương. Vì vậy, nhân sự việc này, nhà quản lý cần tiến hành rà soát lại tất cả CSGM còn lại ở các huyện, hoàn thiện và có thể bổ sung thêm các thủ tục như CSGM Xuyên Á đã làm để gắn trách nhiệm cụ thể hơn cho các bên khi xảy ra sự cố.
Sự tự giác của chủ CSGM và thương nhân là điều tốt nhưng nhà quản lý cũng phải khắc phục những hạn chế, trì trệ, kể cả tiêu cực nếu có, bằng các quy định cụ thể và có phương tiện xét nghiệm nhằm thể chế hóa các quy định. Bộ NN-PTNT cần có quy định cụ thể cho toàn ngành thú y, cũng như kiểm soát chặt việc giết mổ ở những địa phương khác; đặc biệt với những lò giết mổ “kín cổng cao tường”.
Bộ NN-PTNT, cụ thể là Cục Thú y, cần kịp thời cập nhật các quy định mới khi phát hiện những vấn đề tiêu cục phát sinh từ thực tế như cách làm về quản lý thuốc kích thích tăng trọng năm 2016.
Với Chi cục Thú y TPHCM, đây là bài học đau đớn. Gần 20 năm qua, Chi cục Thú y TP đi đầu với nhiều mô hình được nhân rộng cả nước. Đó là tiến tới đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm ở các khâu khi chuyển từ giết mổ nằm (để động vật giết mổ trên sàn nhà mất vệ sinh và phản cảm) sang giết mổ treo mà hiện nay cả nước áp dụng theo.
Lúc đó chi cục cũng gặp sự phản đối kịch liệt của thương nhân và công nhân giết mổ bởi đã quen với sự tùy tiện, nhưng rồi cũng dần đi vào quy định vì thuận tiện hơn trong thao tác. Đó còn là sự chấn chỉnh việc kinh doanh thịt tại các chợ đầu mối. Thịt gia súc sau giết mổ được vận chuyển đến các chợ đầu mối cũng phải treo trên các thanh kim loại thay vì để chồng trên mặt quầy, thậm chí có lúc quá nhiều để cả ở sàn chợ. Khi áp dụng, tiểu thương chợ thịt đầu mối An Lạc (lúc đó là huyện Bình Chánh, nay là quận Bình Tân) phản ứng gay gắt và cho rằng quy định thú y gây khó khăn và tốn kém cho người kinh doanh. Nhưng khi được Chi cục Thú y TP giải thích, giới tiểu thương đồng tình.
Sau dịch cúm gia cầm cuối năm 2003, TPHCM là địa phương đầu tiên trong cả nước quy định cấm giết mổ gia cầm tại chợ mà phải tập trung giết mổ. Việc vận chuyển thịt giết mổ phải bằng phương tiện bảo ôn thay vì chở trên xe gắn máy đầy bụi; các điểm kinh doanh phải có tủ mát, để sản phẩm trong bao bì. Hiện nay, TPHCM cũng đi đầu khi chuyển qua giai đoạn giết mổ công nghiệp, chỉ tập trung những địa điểm đảm bảo các điều kiện về vệ sinh dịch tễ…
Vụ việc vừa qua tuy có làm phai nhạt hình ảnh của một địa phương đi đầu về an toàn thực phẩm, nhưng không thể phủ nhận những gì TPHCM, cụ thể là ngành thú y đã đóng góp. Tuy nhiên, qua đó cũng cho thấy, chỉ cần một chút chủ quan là bao công sức trước đó có thể bị đổ sông, đổ biển.