Kỷ lục “đốt tiền” đạt được là 1,1 tỷ USD chỉ trong vòng một đêm 14-4, khi Iran phóng 30 tên lửa hành trình, 120 tên lửa đạn đạo và 170 máy bay không người lái tự sát sang Israel. Hệ thống phòng thủ Vòm sắt đã đánh chặn được hầu hết, nhưng mỗi vụ bắn chặn tốn từ 40.000-50.000 USD. Mỗi hệ thống hoàn chỉnh trị giá gần 100 triệu USD gồm radar, máy tính, 3-4 hệ thống phóng (mỗi hệ thống chứa 20 tên lửa đánh chặn). Trong khi đó, trong đợt tấn công của mình, chi phí phía Iran bỏ ra chỉ bằng 1/10 so với Israel, vì chỉ riêng tên lửa Patriot đã đắt gấp 40 lần so với tên lửa của Iran. Ước tính, từ nay đến năm 2025, Israel phải chi ra 65 tỷ USD cho cuộc chiến với Hamas.
Còn với Dải Gaza, ngoài sinh mạng của thường dân vô tội, theo tính toán của Liên hợp quốc và Ngân hàng Thế giới, cơ sở hạ tầng bị tiêu hủy ở dải đất này lên đến 18,5 tỷ USD, tương đương với 97% GDP của Bờ Tây và Dải Gaza. 40 năm đầu tư vào vùng đất này xem như trở lại con số 0. Trong khi đó, Tổ chức Lao động quốc tế hồi đầu tháng 6 công bố số liệu cho thấy cuộc xung đột ở Dải Gaza đã đẩy tỷ lệ thất nghiệp ở các vùng lãnh thổ của Palestine tăng lên gần 80%. Chương trình Lương thực thế giới và Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc cũng cảnh báo hơn 1 triệu người Palestine ở Dải Gaza có thể sẽ phải đối mặt với nạn đói ở cấp độ cao nhất từ giữa tháng 7 tới...
Ước tính, công cuộc tái thiết Dải Gaza sẽ tiêu tốn khoảng 30-40 tỷ USD. Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 16-6 vừa qua đã sử dụng bài phát biểu gửi tới người Hồi giáo nhân dịp lễ Eid al-Adha để thúc đẩy dự thảo thỏa thuận ngừng bắn được Washington hậu thuẫn. Chỉ có chiến tranh chấm dứt mới có thể giúp được những người dân đang phải chịu đựng hoàn cảnh khủng khiếp tại vùng đất đầy đau thương này.