Ngày xưa, thời chưa có tủ lạnh, cái gạc-măng-rê được dùng nhiều. Ngăn dưới cùng mẹ tôi đựng mấy bộ chén dĩa kiểu, đẹp nhưng ít dùng, chỉ khi có đám tiệc mới dám lấy ra đãi khách. Ngăn giữa để những thứ thường dùng, thuận tiện để lấy. Ngăn trên cùng đựng đồ ăn, nhưng cũng mấy khi có gì đặt vào. Còn treo thêm bên hông cái ống đựng đũa muỗng và cái ống để bàn chải, kem đánh răng. Bốn chân kê bằng bốn chén nước cho kiến khỏi lên.
Cái gạc-măng-rê để ở bếp, như là trái tim của ngôi nhà. Ai đi đâu về cũng ghé ngang, mở ra nhìn một cái như một thói quen. Có khi là dĩa bánh hàng xóm cho, hay miếng cá chiên thừa của bữa ăn trước. Nhằm hôm mở ra, nhìn vào khoảng trống mà không để làm gì cả.
Tôi nhớ nhất hai món đựng ở đó là hũ chà bông thịt heo và xấp bánh tráng ngày cuối năm mẹ hay mua để dành ba bữa tết.
Ngày đó, ba mẹ tôi không mấy dư dả. Thức ăn thường ngày là cá ba câu ở ao sau nhà, rau mẹ trồng ở vườn, thỉnh thoảng mới được bữa thịt kho độn chung với củ cải trắng hoặc thịt kho với cơm dừa rám. Dừa cũng của nhà trồng. Nên thời đó, chà bông heo là món ăn xa xỉ chỉ dành riêng cho bà ngoại. Hũ chà bông nhỏ để đó, như là miếng mỡ treo ở miệng của đám mèo con, thèm thuồng. Không biết anh chị tôi có dám không chứ tôi thì lâu thật lâu lén lút nhón một vài sợi bỏ vào miệng nhanh gọn như một tên trộm vụng về.
Vì cái gạc-măng-rê thường xuyên trống trải như vậy nên bánh tráng là món được anh chị em tôi thích nhất. Mà có phải được thường xuyên đâu, tết mẹ tôi mới mua, để dành ăn từ từ. Bánh tráng ngày xưa loại to gần hai bàn tay, dẻo và mặn chát, bán theo xấp năm mươi cái gập đôi. Anh chị em chúng tôi không ăn được chà bông heo thì ăn đỡ bánh tráng. Đi đâu về là chạy thẳng vô bếp, mở gạc-măng-rê, xé nửa cái bánh tráng dày, đem ra nhúng nước, cuộn lại rồi nhâm nhi từ từ, tận hưởng. Lắm khi chưa tới tết là phải mua xấp bánh khác, có lần mẹ tôi cất sâu vô mấy chồng chén dĩa nhưng cũng không thoát khỏi hao hụt!
Nghĩ lại vừa buồn cười vừa thấy rưng rưng…
Năm nay mẹ tôi 85 tuổi, từng nhiều lần dọn nhà, có những món đồ dùng mẹ tôi mang theo gần như suốt cả cuộc đời. Như cái nồi nhôm dày mẹ tôi dùng từ khi hai mươi tuổi, trước khi anh trai lớn của tôi ra đời, đến cách đây vài năm mới bị hỏng. Cái muỗng inox to đập đá, bộ nồi nhôm, và mấy thứ từ thời ba tôi có chuyến công tác ở Liên Xô. Cái đồng hồ, mắt kính, cái ví và cả cuốn sổ tay ghi mấy số điện thoại hồi ba tôi còn sống. Những tấm huân chương, huy chương của ba mẹ và cả cái gạc-măng-rê. Tất cả những thứ đó không chỉ là đồ dùng mà là những hình ảnh của người đã mất, những kỷ niệm của ba, của anh chị em tôi.
Giờ đây, khi dọn qua nhà khác, cái nào buông thì mẹ vẫn phải buông. Nhưng tôi cũng hiểu, đó là những yêu thương mà mẹ vẫn muốn mang theo. Không biết khi bằng tuổi mẹ, tôi có được khỏe, có gom góp được nhiều kỷ niệm như mẹ bây giờ không… Nhưng tôi tin rằng, tình yêu thương mà mẹ và tôi dành cho mọi người cũng đều nhiều như nhau…