“Cái đẹp” không sai, vậy ai có lỗi?

Một danh sách tổng kết các cuộc thi nhan sắc trong năm 2022 được chia sẻ trên mạng xã hội, trên 30 cuộc thi từ quy mô toàn quốc đến kiểu “cây nhà lá vườn”. Thực tế, lượng người trẻ quan tâm và ghi danh ở các cuộc thi nhan sắc vẫn không ngừng tăng.

Nghề… đẹp

Giới trẻ hiện đại nhanh nhạy với công nghệ và mạng xã hội, từ đó công việc “sáng tạo nội dung trực tuyến” trở thành nghề “hot” và mở ra thu nhập “khủng” cho nhiều bạn trẻ ở TPHCM. Một trong những công thức dễ thấy để kiếm tiền từ mạng xã hội chính là nội dung không giống ai, càng “không đụng hàng” càng triệu view (lượt xem)…

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông phân tích, trong vòng xoáy hàng triệu nội dung mỗi ngày được đăng tải trên các nền tảng trực tuyến, tìm được chủ đề “không đụng hàng” không phải dễ. Cùng với đó là thói quen xem nghe chớp nhoáng của người trẻ trên mạng xã hội, muốn thu hút trước hết phải xây dựng hình ảnh lung linh, sang chảnh.

Có trang cá nhân hơn 3.000 bạn bè và gần 5.000 lượt theo dõi, nhưng C.V.A. (23 tuổi, người mẫu ảnh, ngụ quận Phú Nhuận) cũng đành khóa vĩnh viễn và tạo tài khoản khác.

“Tài khoản này tôi lập từ hồi còn học trung học phổ thông, nhiều hình ảnh ngô nghê bạn bè chung lớp gắn thẻ, không biết chăm chút nên nhìn xấu lắm. Chịu mất lượt theo dõi này, tôi tạo tài khoản khác để bắt đầu lại, tuyệt đối trang cá nhân chỉ hiển thị hình ảnh và video đẹp thôi, thậm chí video chỉ vài giây cũng phải có đội ngũ kỹ thuật hỗ trợ mình dựng cho thêm kỹ xảo để lung linh hơn. Hình ảnh đẹp thì lượt theo dõi cũng tăng nhanh thôi, và nhãn hàng khi họ đặt mình quảng cáo sản phẩm, tiền cát-sê cũng dựa trên lượng người theo dõi… Để làm thần tượng không khó, chỉ cần nhiều lượt theo dõi. Nhiều bạn cũng làm người mẫu ảnh thôi, đâu có biết hát hay đóng phim, nhưng biết cách trưng ra hình ảnh đẹp trên trang cá nhân, vẫn làm thần tượng, dự sự kiện rần rần”.

Những tương tác thực tế mang lại nhiều cảm xúc và giá trị cho người trẻ hơn là hào quang, thần tượng “ảo”

Những tương tác thực tế mang lại nhiều cảm xúc và giá trị cho người trẻ hơn là hào quang, thần tượng “ảo”

Việc xem nghe nội dung trên mạng xã hội chỉ chớp nhoáng khoảng vài giây, muốn người dùng dừng lại lâu hơn, trước tiên phải đẹp. Chị Mai Thu Trang (36 tuổi, nhân viên truyền thông, ngụ quận 4) chia sẻ: “Mỗi lần đặt mấy bạn người mẫu quảng cáo sản phẩm trên mạng xã hội, bên tôi gần như lo trọn gói từ trang điểm, trang phục, ê kíp quay phim, chụp hình và soạn sẵn nội dung để các bạn giới thiệu luôn. Vì trang cá nhân nhiều lượt theo dõi, sở hữu gương mặt và tự tin tạo dáng trước ống kính thì có, nhưng hoàn toàn giới hạn về kiến thức chuyên môn, khả năng thuyết trình chưa có chiều sâu. Thậm chí có buổi phát trực tiếp, các bạn mẫu chỉ ngồi để thu hút lượt theo dõi, hoàn toàn không biết chia sẻ gì”.

Người tung, kẻ hứng…

Sự rầm rộ của những cuộc thi nhan sắc không có gì là sai và cũng không có gì là xấu, nhưng đằng sau những hình ảnh lung linh đó, liệu người trẻ có bao nhiêu phần trăm được sống thật với chính mình mới là điều đáng nói. Truyền thông cùng mạng xã hội một phần nối dài giấc mơ nhan sắc cho một bộ phận bạn trẻ. Không khó để bắt gặp những triết lý trên trang của không ít gen Z theo kiểu “nghèo sang chảnh”, dù chỉ là sinh viên hoặc thu nhập chỉ ở mức lương văn phòng.

TS Nguyễn Văn Tường (Khoa Giáo dục, Trường ĐH KHXH-NV TPHCM) phân tích: “Trên mạng xã hội, những rào cản về thời gian, không gian dường như bị xóa bỏ, con người có thể tương tác bất kỳ khi nào họ muốn. Do đó, ngày càng nhiều bạn trẻ sử dụng mạng xã hội và cuốn mình vào mạng xã hội hơn là những trải nghiệm thực tế ngoài đời thực”.

Và chính sức hút từ những nền tảng trực tuyến này, cùng thuật toán nhiều lượt theo dõi thì người dùng dễ dàng trở thành “thần tượng”, “chiến thần”, “người đẹp không tuổi”, “chị đẹp”, “người tình quốc dân”… mà chẳng cần tài năng đặc biệt, hay học thuật chuyên môn. Một điều dễ thấy nữa, chính là truyền thông của các cuộc thi nhan sắc hiện nay cũng nối dài giấc mơ vương miện đến không ít người trẻ.

Thậm chí những cuộc thi chuyên về tài năng như dẫn chương trình, hay câu hỏi kiến thức cũng được truyền thông và tổ chức như thi hoa hậu. Không khó để bắt gặp những bài viết trên các trang tin điện tử như: “Thí sinh dẫn chương trình… nhan sắc chuẩn hoa hậu”, “Người đẹp… đăng quang cuộc thi dẫn chương trình”, “Dàn thí sinh casting cuộc thi dẫn chương trình… nhan sắc như hoa hậu”…

Chị Phan Tường Vy (38 tuổi, phụ trách sáng tạo và truyền thông Công ty K.M) chia sẻ: “Với một bộ phận bạn trẻ hiện nay, thời gian ở trên mạng nhiều hơn là bước ngoài và mạng xã hội bây giờ thì tràn ngập danh xưng người đẹp, hoa hậu… Nhiều fanpage cũng chia sẻ các video quanh chuyện “người đẹp và cái kết”, mưa dầm thì thấm lâu thôi, coi riết thành ghiền. Và bây giờ, thao tác chỉ vài cái click chuột là hoàn thành hồ sơ trực tuyến để dự thi sắc đẹp rồi, nên nhiều bạn trẻ nuôi mộng đội vương miện cũng dễ hiểu. Không kể là cuộc thi gì, chỉ cần có danh hiệu, thì ngay trên trang cá nhân đã có dòng giới thiệu bản thân thiệt oách rồi, lượt người theo dõi cũng tăng theo, dễ dàng kiếm hợp đồng quảng cáo, đi sự kiện”.

Rõ ràng, “cái đẹp” đâu chỉ có việc tập trung vào nhan sắc là đủ, mà đó còn là cách sống mang lại giá trị cho bản thân và cộng đồng.

Tin cùng chuyên mục