Gần một tuần sau đêm chung kết Hoa hậu Hòa bình quốc tế 2022 (Miss Grand International), hẳn cũng đủ… bình tâm để chúng ta bàn chuyện nhan sắc sau một cuộc thi tạo sóng gió trên mạng xã hội đến tận hôm nay.
Miss Grand International mất hơn 2 triệu lượt theo dõi trên các nền tảng mạng xã hội đến từ khán giả Việt Nam. Hiện tại, với nền tảng mạng xã hội Facebook, người dùng Việt Nam cũng bị fanpage này chặn, chỉ có theo dõi, đăng ký hoặc không (không còn nút like - thích).
Vài năm gần đây, có thể thấy nhan sắc Việt thăng hạng nhanh trên đấu trường quốc tế, nhiều người đẹp Việt chinh phục vương miện cao nhất ở những cuộc thi hàng đầu. Tuy nhiên, chuyện thắng thua ở một cuộc thi nhan sắc có quan trọng đến mức trở thành làn sóng tranh cãi và tẩy chay theo kiểu “thắng tung hô, thua bỏ phô lồ” (follow - theo dõi)? Phải chăng chúng ta quá dư thời gian trên mạng xã hội để tranh cãi đến cùng chuyện nhan sắc?
Cuộc thi dù lớn hay nhỏ, hai tiếng Việt Nam vang lên luôn khiến người ta tự hào, bởi đó là con người, là nhan sắc, là trí tuệ, tài năng… đến từ đất nước hình chữ S. Những năm gần đây, người đẹp Việt thường nhanh chóng chiến thắng ở phần khán giả bình chọn tại các cuộc thi quốc tế, một phần cũng đến từ niềm tự hào dân tộc mà khán giả Việt tích cực ủng hộ.
Xã hội hiện đại mở ra nhiều cơ hội và tạo điều kiện để mỗi cá nhân phát triển bản thân nhiều hơn. Câu chuyện nhan sắc trở thành một trong những mối quan tâm trong hành trình phát triển bản thân, đặc biệt ở một bộ phận người trẻ. Nhất là khi internet bùng nổ, từ thực tế cuộc sống đến hình ảnh trên mạng xã hội, mọi thứ phải thật lung linh. Cũng bởi thế mà một năm có đến vài chục cuộc thi nhan sắc được “đẻ” ra.
Như tối 22-10 vừa qua, tại Việt Nam có đến 2 tân hoa hậu đăng quang (Hoa hậu Biển đảo Việt Nam và Hoa hậu Hoàn cầu 2022) khiến khán giả không khỏi ngỡ ngàng đặt câu hỏi rằng nhiều hoa hậu để làm gì và tại sao cứ “sơ hở là có hoa hậu”, như một nhận định vừa trào phúng nhưng cũng rất đáng để suy ngẫm. Đó là chưa kể hàng loạt cuộc thi nhan sắc dành cho nam giới cũng nổi lên như một trào lưu vài năm gần đây.
Không ai phủ nhận quan điểm “cái đẹp cứu rỗi thế giới”, nhưng trên thực tế, trước, trong và sau những cuộc thi nhan sắc, có bao nhiêu dự án thiện nguyện hay chương trình vì cộng đồng thực sự có hiệu quả và được các người đẹp duy trì đường dài? Nhan sắc là điều dễ nhận diện nhất, nhưng cái đẹp đâu chỉ là nhan sắc. Hành trình phát triển bản thân mỗi người có nhiều giá trị để xây dựng cho chính mình và lan tỏa cho cộng đồng chứ không chỉ có sắc đẹp.
Hành trình thanh xuân mỗi người mỗi vẻ, có lẽ ai cũng mong muốn mình trở nên thật đẹp trong những năm tháng tuổi trẻ. Nhưng trước hết, hãy hiểu đúng về cái đẹp và phát triển bản thân. Chúng ta có muôn vàn cách để tỏa sáng chứ không chỉ có nhan sắc và thi nhan sắc. Và giá trị bền vững chính là mỗi người sống trọn vẹn trong từng khoảnh khắc với chính mình.
Vài năm trở lại đây, nhiều đơn vị, nhất là trong lĩnh vực giáo dục khá quen thuộc với cụm từ “phụng sự cộng đồng”. Sắc đẹp, tri thức hay tài năng, hướng đến và mang lại những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng thì mới là cái đẹp bền vững.