Và cái cối xay bột của bà nội, chị dâu tôi cũng để trên bộ ván y như hồi bà tôi còn sống. Chỉ khác một chút, nó được “di chuyển” từ căn nhà rất cũ của bà tôi sang căn nhà hơi cũ mà cha tôi để lại. Hai nhà chỉ cách nhau một con mương, giống như đa phần các gia đình ở miền Tây, nhà con cháu cách nhà ông bà, cha mẹ một con mương nhỏ.
Bà nội tôi từng làm phụ bếp cho nhà hàng của Pháp hồi trước năm 1950, vì vậy, các món ăn nói chung và các món bánh nói riêng mà nội làm có chút cầu kỳ. Ngâm gạo tẻ làm các món bánh khác thì ít kỳ công, nhưng ngâm gạo nếp để làm bánh ít, nấu chè trôi nước sẽ vất vả hơn.
Trước đó vài ngày, bà tôi phải đón xuồng bán hàng đi ngang để mua bằng được mấy trái khóm (thơm). Bà băm khóm thật nhuyễn, vắt lấy nước, cho gạo nếp vào ngâm, cốt để cho bột sau khi xay sẽ thơm, trong và dai hơn. Từ lúc ngâm gạo nếp đến khi xay ít nhất phải 1-2 ngày.
Hồi tôi hơi lớn một chút, mẹ tôi cứ kể hoài câu chuyện về bà nội tôi. Bà nội rất thảo thơm và hiếu khách, mỗi khi sắp đến ngày kỵ cơm của ông nội, bà ngâm rất nhiều gạo nếp để xay bột làm bánh ít. Thường bà làm đến năm bảy trăm cái, trước để cúng kiếng, đãi khách, sau làm quà biếu bà con, láng giềng. Vì bà nội tôi sống một mình ở quê, nên thường 1-2 ngày trước giỗ, bà kêu mẹ tôi sang cùng bà xay bột.
Số lượng gạo nhiều nên mẹ chồng - con dâu cùng xay cho nhẹ tay bớt. Mẹ tôi xả gạo nếp ngâm khóm, xả mấy lần nước, rồi mới cho nước mưa trong vắt vào xay. Trong lúc đó, bà nội gắn bồng bột vào cối. Trời khuya, đèn dầu tù mù, mắt bà kém, không hiểu gắn bồng bột kiểu gì mà sau khi mẹ chồng nàng dâu từ tốn xay bột, đến khi rõ mặt người, dưới đất là một màu sáng choang của bột.
Lúc này, kiểm tra lại mới hay, phía dưới bồng bột bị hở, bột xay, thay vì chảy xuống bồng bột, lại chảy lênh láng xuống nền đất. Năm đó, cúng giỗ ông nội tôi, bà thay thế bánh ít bằng các món bánh khác. Ký ức này đã quá cũ, nhưng mỗi khi nhớ, trong tôi lại dạt dào cảm xúc. Thương bà, thương mẹ vất vả mà không thu được “thành quả lao động”.
Trong số rất nhiều loại bánh bà làm, tôi thích nhất là bánh cam, bánh còng. Hai loại này không quá tốn sức của bà. Nhớ có lần bà xay bột làm bánh còng, lúc đó cái răng sữa của tôi lung lay. Tôi rất sợ nhổ răng. Bà đang xay bột thì ngưng lại, kêu tôi há miệng cho bà kiểm tra. Bà nói, để bà cột chỉ vào tay cối xay, bà xay một vòng là răng rớt ra thôi, không chảy máu, không đau.
Nghe bà “dụ dỗ”, tôi đồng ý. Đúng như bà nói, chỉ cần một vòng quay, chiếc răng sữa đã rụng, kèm theo ít máu và không đau chút nào cả. Mà cũng có thể là đau, nhưng nghĩ đến những cái bánh còng sắp ăn, tôi thèm quá nên quên béng nỗi sợ đau.
Hôm rồi, khi về thăm quê, nhìn cái cối xay bột của bà để lại, thời ấu thơ như ùa về trong tôi với bao nhiêu hình ảnh đẹp cùng những món bánh dân dã nhưng đầy tình thương của bà và mẹ. Vườn xưa cảnh cũ nay thay đổi ít nhiều, duy cái cối xay bột vẫn để trên góc bộ ván cũ. Cái cối vẫn cũ như hồi tôi chưa lớn!