Hữu Vi (sinh năm 1983), là một tác giả người dân tộc Thái ở Nghệ An, tên khai sinh là Vi Văn Chôồng. Tốt nghiệp khoa Viết văn (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) năm 2009, Hữu Vi hiện đang làm việc và viết tự do ở quê nhà.
Dù thị lực không tốt (mắt trái chỉ có 1/10, mắt phải 3/10) nhưng Hữu Vi đã khiến không ít người khâm phục khi vẫn chạy xe máy đi về nhiều làng bản để lấy tư liệu. Sau những giờ phút bận rộn mưu sinh ấy, anh lại náu mình ở chốn văn chương, vừa là đam mê nhưng cũng là liệu pháp tinh thần đầy ý nghĩa với anh.
Điểm chung ở văn chương của Hữu Vi là lời văn giản dị, thong thả, lặng lẽ như nhịp đời. Anh không bi lụy, không lên gân, không phán xét hay cố gắng nhấn mạnh một thông điệp. Anh kể chuyện bằng một chất giọng trầm trầm tự nhiên, bình thản như chính cuộc sống. Điều này thể hiện rõ trong tập truyện ngắn Cái chết của bầy ong.
Chất người miền núi thấm đượm trong ngòi bút Hữu Vi. 13 truyện ngắn là những lát cắt cuộc sống của người dân tộc miền núi, về sự giằng co giữa phong tục truyền thống và cái hiện đại đang thâm nhập vào núi rừng, giữa cũ và mới, giữa miền núi và phố thị.
Các truyện ngắn trong Cái chết của bầy ong không có nhiều kịch tính. Tất cả đều là những mẩu chuyện rất đời thường, mà ai ai chắc cũng từng trải qua hay bắt gặp. Đó là chuyện về những cặp trai gái gặp gỡ ở hội làng, đến với nhau, lạc mất nhau, là chuyện cha mẹ ở miền ngược nhớ nhung những đứa con bôn ba tới miền xuôi lập nghiệp, là chuyện những người trẻ cứ mải miết tìm kiếm điều gì không rõ, là chuyện những ông bà già nhớ quê cũ nhà xưa…
Theo dõi Hữu Vi từ hơn 10 năm trước, khi đọc tập truyện ngắn Cái chết của bầy ong, nhà văn Hồ Anh Thái bày tỏ: “Văn của anh trong trẻo, nhẹ nhàng, tạo ấn tượng núi non đủ độ, không cố tình uốn giọng ngọng nghịu cho ra vẻ “miền núi”... Không có gì gay cấn, mọi nút thắt đều được gỡ ra từ tốn, có khi hơi đơn giản. Những điều đơn giản ấy có thể lại làm cho người ta vương vấn”.