Các nước lớn đồng thuận
Sau rất nhiều tranh cãi, mới đây, các nước thành viên Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20), Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản và thậm chí ngay cả Tổng Giám đốc WTO, ông Roberto Azevedo, cùng nhất trí cho rằng, cần thiết phải cải cách thể chế thương mại toàn cầu nhằm thúc đẩy việc cải tổ WTO. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng vài lần cảnh báo sẽ rút Mỹ ra khỏi WTO nếu định chế này không đối xử với Mỹ tốt hơn. Như vậy, đây là lần đầu tiên người ta thấy Mỹ thể hiện sự nhất trí về mức độ cấp bách phải cải cách WTO. Cái “gật đầu” của Washington là “điều kiện đủ” để giúp các bên đưa vấn đề này ra thảo luận và tiến tới hành động thật sự.
Các đại diện của G20 đã trình bày quan điểm về những yếu tố cần thiết nhất đối với thương mại quốc tế để có thể thực thi được kế hoạch cải tổ, những vấn đề gì cần phải đổi mới và những gì cần phải tiếp tục được phát huy; nhấn mạnh vai trò của cơ chế hợp tác này như là một nền tảng cho đối thoại chính trị giữa các nước thành viên, đồng thời chỉ rõ sự cần thiết phải tăng cường nỗ lực nhằm bảo đảm rằng nguồn lợi từ thương mại và đầu tư quốc tế được tất cả cùng chia sẻ.
Trong khi đó, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Pháp Jean-Baptiste Lemoyne cho biết, thách thức hiện này là cần phải xây dựng được các quy tắc, cơ chế giám sát để đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc này, đồng thời các cơ quan trọng tài hoạt động một cách nhanh hơn.
Tự mất dần giá trị
Từ khi được thành lập vào năm 1995 đến nay, WTO với cơ chế trọng tài giải quyết tranh chấp có vai trò khá quan trọng. Nhưng sau gần 3 thập kỷ, vị thế của WTO đang bị suy giảm, các quy định của tổ chức này đang trở nên lỗi thời. Những biểu hiện thời gian qua của thương mại quốc tế càng củng cố thêm nhận định này, khi các nước lớn thay nhau tìm cách bảo vệ lợi ích quốc gia của mình, chứ không phải là tôn trọng những chuẩn mực của thế giới.
Việc Mỹ khơi mào và dẫn dắt cuộc chiến thương mại với Trung Quốc và các nước hiện nay đang vô hiệu hóa các quy định về thương mại tự do mà WTO là đại diện, biến WTO trở thành nhân vật bất đắc dĩ phải đứng ngoài cuộc chơi mà đáng ra tổ chức này phải đóng vai trò lãnh đạo và điều phối. Nó đặt ra một tiền lệ nguy hiểm là bất cứ thành viên nào khác cũng có thể xé bỏ cam kết với WTO với lời biện hộ “bảo vệ lợi ích quốc gia” như Mỹ đã và đang làm.
Nếu không hành động, WTO sẽ tự động mất dần vai trò là diễn đàn để giải quyết các tranh chấp thương mại và là nơi để đặt ra các luật lệ cho giao thương quốc tế. Thế giới trong viễn cảnh đó sẽ thực sự là một thảm họa khi các giá trị chung bị xóa bỏ, nơi các quốc gia hành động dựa trên ý chí của kẻ mạnh.
WTO sẽ phải cải tổ để trở lại với vị trí mà đáng ra phải có. Những điều chỉnh về các quy định, luật lệ cũng như cơ chế vận hành để phù hợp với tình hình mới là điều bắt buộc. Nhưng định hướng phía trước sẽ còn là vấn đề đáng bàn. Mới đây, một nhóm tư vấn độc lập đã nói về việc cần phải loại bỏ cơ chế đồng thuận của WTO - một cơ chế vốn giúp các nước nhỏ có được lá phiếu tương đương với các cường quốc kinh tế. Cũng có ý kiến giải quyết thế bế tắc hiện tại của cơ quan phúc thẩm như kéo dài thời hạn phục vụ của các thẩm phán... Chắc chắn những thay đổi sắp tới sẽ động chạm tới những yếu tố nền tảng cốt lõi bên trong của WTO. Vì vậy, các cuộc thảo luận thúc đẩy cải cách sắp tới sẽ là những cuộc đụng độ không khoan nhượng.