Thực tế là nền kinh tế vẫn chưa phục hồi hoàn toàn với tổng sản lượng hiện tại thấp hơn mức trước đại dịch Covid-19. Khối doanh nghiệp và hộ gia đình vẫn chịu tác động dai dẳng. Tính chung 9 tháng năm 2022, cả nước có 163.300 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, quay lại hoạt động nhưng cũng có 112.700 doanh nghiệp rút khỏi thị trường.
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý 3-2022 cho thấy, có 38,6% số doanh nghiệp đánh giá tốt hơn so với quý 2; 36% số doanh nghiệp cho rằng sản xuất - kinh doanh ổn định và 25,4% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn.
Các nhà hoạch định chính sách ở Việt Nam và các nước đang đối mặt với lựa chọn khó khăn giữa xử lý lạm phát và hỗ trợ phục hồi kinh tế. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng 0,4% so với tháng trước. So với tháng 12-2021, CPI tháng 9 đã tăng 4,01% và so với cùng kỳ năm trước tăng 3,94%.
Trong bối cảnh đó, liệu chính sách tài khóa và tiền tệ có hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế? Trả lời câu hỏi này, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương, nhận định, chi phí đẩy đối với lạm phát đang rất mạnh, sẽ làm tăng giá thành và giá bán hàng hóa cũng như CPI tăng lên. Lãi suất huy động và cho vay tăng làm tăng giá vốn, tăng chi phí sản xuất. Đồng USD tăng giá, tỷ giá VNĐ/USD sẽ phải điều chỉnh tăng, chi phí nhập khẩu tăng…
Chính sách tiền tệ không thể nới lỏng (chỉ giữ nguyên hoặc thắt chặt) để kiểm soát, kiềm chế lạm phát; không thể hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng. Trong khi đó, chi phí sản xuất tăng cao hơn CPI, doanh nghiệp giảm lợi nhuận, thậm chí lỗ nên phải thu hẹp sản xuất.
Việc thắt chặt tiền tệ làm chi phí vốn tăng, hạn chế khả năng tiếp cận tín dụng, doanh nghiệp phải thu hẹp hoặc không mở rộng được đầu tư kinh doanh. Giá cả tăng, thu nhập giảm, dân cư giảm tiêu dùng, doanh nghiệp giảm doanh thu và lợi nhuận, từ đó, thu hẹp hoặc chưa thể mở rộng sản xuất - kinh doanh…
Nhìn vào chính sách tài khóa có thể thấy, trong 2 năm 2022-2023 đã và sẽ có khoảng 237.650 tỷ đồng được chi hỗ trợ cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Trong đó miễn, giảm thuế, tiền thuê đất, phí và lệ phí 63.800 tỷ đồng; gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất 6.000 tỷ đồng; tăng chi đầu tư phát triển 127.850 tỷ đồng; hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng.
Đây tuy là nỗ lực lớn của Chính phủ, song vẫn khó bù đắp được chi phí đầu vào tăng. Đó là chưa kể doanh nghiệp cũng phải nộp vào ngân sách nhiều hơn (tiền sử dụng đất, thu số thuế được giãn, hoãn trước đây; thu bảo hiểm xã hội…).
Cho đến nay, xuất khẩu đang là một động lực tăng trưởng quan trọng nhưng đang xuất hiện một số nhân tố có thể làm giảm tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu. Tăng trưởng kinh tế thế giới nói chung và của các đối tác thương mại lớn của Việt Nam nói riêng đang suy giảm mạnh; do đó giảm nhu cầu nhập khẩu từ Việt Nam.
Cạnh tranh địa chính trị giữa Trung Quốc và Mỹ đang ngày càng gia tăng; mà đây lại là hai đối tác, hai thị trường không thể thiếu, không thể thay thế trong phát triển kinh tế Việt Nam. Dư địa “cân bằng” quan hệ với hai đối tác nói trên có thể bị thu hẹp lại, ngặt nghèo hơn.
Trong bối cảnh đó, các cải cách vi mô phía cung, nhất là cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh dường như là yếu tố có thể thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ hơn cả.
Vì vậy, đẩy mạnh cải cách thể chế, tháo bỏ rào cản, tạo thuận lợi đối với đầu tư kinh doanh là cần thiết và cấp bách hơn bao giờ hết, nếu không muốn nói là con đường duy nhất để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế của nhiệm kỳ 2021-2025 và chiến lược 10 năm 2021-2030.