Nhận định này được nêu trong báo cáo nghiên cứu ADO 2022 mới được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố.
Không nghi ngờ gì nữa, nhu cầu về ngân sách của các quốc gia trong khu vực đang ngày càng lớn, thậm chí ngay từ trước khi xảy ra đại dịch Covid-19. Dân số già hóa đòi hỏi chi tiêu cao hơn cho lương hưu và chăm sóc sức khỏe. Cuộc sống được cải thiện thúc đẩy kỳ vọng được hưởng hàng hóa và dịch vụ công với chất lượng ngày càng tốt hơn…
Ủy ban Kinh tế và Xã hội châu Á - Thái Bình Dương của Liên hiệp quốc ước tính rằng khu vực này sẽ cần tăng chi tiêu hàng năm khoảng 1.500 tỷ USD - tương đương khoảng 5% GDP khu vực để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030.
Việt Nam không phải là ngoại lệ. Bên cạnh những nhu cầu thường xuyên tương tự, ngày 11-1-2022, Quốc hội đã phê chuẩn gói giải pháp tài khóa và tiền tệ, ước tính lên đến 15 tỷ USD để triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế trong năm 2022 và 2023.
Trong đó, 11,5 tỷ USD của chương trình bao gồm các giải pháp tài khóa như chính sách miễn, giảm thuế, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, phát triển cơ sở hạ tầng và an sinh xã hội; hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp và các hộ kinh doanh.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam sẽ cần phải tranh thủ tối đa nguồn lực tài chính, kể cả công và tư. Đáng mừng là có nhiều dấu hiệu cho thấy Việt Nam đáp ứng được điều kiện tiên quyết cho tăng thu ngân sách từ thuế: quá trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế được ADB đánh giá khá lạc quan, với mức tăng GDP 6,5% cho năm nay và 6,7% cho năm 2023.
Lạm phát thấp (1,8% năm 2021 so với mức 3,2% năm 2020), cho phép Ngân hàng Nhà nước duy trì chính sách tiền tệ mở rộng, giữ các mức lãi suất chính sách khá thấp. Sự chuyển hướng kịp thời trong chiến lược kiểm soát dịch bệnh đã giúp khôi phục hoạt động kinh tế và giảm bất ổn trong môi trường kinh doanh.
Khảo sát của Tổng cục Thống kê về xu hướng kinh doanh trong lĩnh vực chế biến chế tạo cho thấy, 81,7% số doanh nghiệp được hỏi tin rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ dần tốt hơn trong năm 2022…
Một trong những việc cần làm để tăng thu ngân sách, như ADB đã chỉ ra, chính là cải cách thuế. Những cải cách này phải được thực hiện trên cơ sở từng trường hợp cụ thể và theo những cách thức để không tạo ra gánh nặng cho người nộp thuế.
Yếu tố khác cũng rất quan trọng là nuôi dưỡng nguồn thu. Tạo điều kiện để doanh nghiệp đăng ký kinh doanh dễ dàng hơn và giảm chi phí giao dịch sẽ giúp nhiều doanh nghiệp nhỏ tham gia vào nền kinh tế chính thức hơn, giúp tăng cường thu thuế.
Bên cạnh đó, các chính phủ trong khu vực cũng có thể cải thiện hoạt động thu thuế từ khu vực thương mại và dịch vụ kỹ thuật số đang phát triển mạnh ở châu Á - Thái Bình Dương (với tổng giá trị ước tăng gấp 3 lần kể từ năm 2005, lên đến 1.400 tỷ USD vào năm 2020)…
Nhiều loại thuế khác cũng có thể giúp tăng thu ngân sách, đồng thời trực tiếp thúc đẩy bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng. Có thể kể đến các công cụ định giá carbon và thuế nhiên liệu hóa thạch hoặc thuế đánh vào rượu, thuốc lá và thực phẩm, đồ uống không lành mạnh cũng sẽ giúp tăng thu ngân sách thêm đến 0,6% GDP, đồng thời mang lại kết quả tốt hơn về sức khỏe và giảm chi phí y tế. Các chiến dịch thông tin công khai và ứng dụng triệt để các công nghệ kỹ thuật số cũng có thể giúp tăng cường thu thuế.
Cuối cùng, một yếu tố hết sức quan trọng không thể không nhắc tới, đó là việc cải thiện chất lượng chi tiêu của Chính phủ trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục và môi trường. Khi người dân nhìn thấy từng đồng tiền thuế của họ được trân trọng và sử dụng có hiệu quả, mức độ sẵn sàng nộp thuế của họ sẽ cao hơn rất nhiều.