Cải cách thủ tục hành chính: Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch

Việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trở thành một nhiệm vụ liên tục và đến nay vẫn là nhiệm vụ cấp bách. Phóng viên Báo SGGP có cuộc trao đổi với bà Phạm Thị Ngọc Thủy (ảnh), Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ).

#1b.jpg

PHÓNG VIÊN: Gánh nặng thủ tục hành chính (TTHC) sau nhiều năm cải cách, đến nay, được giảm tải ra sao, thưa bà?

Bà PHẠM THỊ NGỌC THỦY: Sau nhiều năm cải cách, TTHC vẫn là khó khăn, rào cản rất lớn với doanh nghiệp (DN). Ban IV vừa hoàn thành báo cáo kết quả khảo sát “Thực trạng cung cấp/thực hiện TTHC cho DN năm 2024”.

Kết quả khảo sát cho thấy 3 khó khăn lớn nhất của DN là: thiếu đơn hàng, nguy cơ hình sự hóa các giao dịch kinh tế và đáp ứng các quy định pháp luật. Trong đó, có tới 44,4% số DN tham gia khảo sát phản ánh khó khăn về TTHC. Khó khăn, vướng mắc cùng gánh nặng chi phí tuân thủ TTHC gia tăng trong bối cảnh DN chịu nhiều áp lực.

Các DN ngoài nhà nước dường như gặp tình trạng “bất cân xứng” trong việc thực hiện TTHC so với các DN nhà nước. Điều này thể hiện rõ ở con số 84,6% số DN ngoài nhà nước tham gia khảo sát đã phản ánh về gánh nặng TTHC, trong khi số DN nhà nước đề cập vấn đề này chỉ có 3%.

Theo các DN tham gia khảo sát, quy trình dài dòng, không rõ ràng và chi phí phát sinh từ việc thực hiện các nhóm thủ tục như thuế, xây dựng và giải thể, khiến họ gặp nhiều trở ngại hơn trong việc duy trì và tái cấu trúc hoạt động.

Vậy DN đánh giá thế nào về kết quả của những nỗ lực cải cách của Chính phủ? TTHC ở lĩnh vực nào gây khó khăn nhất?

Dưới góc nhìn DN, nỗ lực và quyết tâm cải cách của Chính phủ là rất đáng kể nhưng dường như vẫn chưa đáp ứng đầy đủ kỳ vọng của DN. Chỉ có khoảng 10% - 30% cho rằng TTHC có cải thiện nhiều.

Theo kết quả khảo sát từ gần 900 DN, có đến 45% phản ánh TTHC trong các lĩnh vực quan trọng như: thuế, lao động, bảo hiểm xã hội, và đất đai vẫn phức tạp và mất nhiều thời gian để hoàn thành.

Trong đó, nhóm thuế vẫn chiếm phần lớn các phản ánh về sự bất cập, tiếp đó là TTHC về đất đai, môi trường và xây dựng.

Cả nước đang sắp xếp, tinh gọn bộ máy ở cả Trung ương và địa phương, tạo một số băn khoăn về việc xử lý, giải quyết TTHC. Bà nghĩ sao về điều này?

Ban IV đã kiến nghị đảm bảo tính “liên tục” trong bối cảnh cải cách mạnh mẽ, sâu rộng bộ máy hành chính nhà nước; đảm bảo duy trì vận hành “không gián đoạn” các quy trình, TTHC cho người dân, DN.

Đất nước đang bước vào giai đoạn “đổi mới 2.0” với rất nhiều mục tiêu cao của quốc gia nhưng không ít thách thức.

Chúng tôi kỳ vọng sự mạnh mẽ về cải cách bộ máy, cải cách hành chính đất nước sẽ tiếp tục lan tỏa tới quá trình cải cách TTHC để những rào cản sớm được tháo bỏ nhằm tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch, giúp gia tăng niềm tin và hứng khởi của tất cả các thành phần DN, để cùng chung sức đồng lòng vì những khát vọng quốc gia.

Đâu là những nội dung DN mong muốn Chính phủ ưu tiên thúc đẩy mạnh mẽ việc cải cách?

Hơn 30% số phản ánh về khó khăn, vướng mắc của DN trong thực hiện TTHC có nhắc đến sự hỗ trợ chưa thực sự đầy đủ và kịp thời. Việc thiếu các kênh hỗ trợ, hướng dẫn cụ thể từ cơ quan quản lý đã khiến DN mất nhiều thời gian và chi phí để hoàn tất thủ tục và sụt giảm niềm tin.

Xét theo nhóm thủ tục, nhóm liên quan đến thuế đứng vị trí đầu tiên trong danh sách lựa chọn ưu tiên cải cách (chiếm 55,5%), tiếp đó TTHC đất đai, môi trường, xây dựng chiếm (47,9%), rồi đến TTHC về lao động và bảo hiểm xã hội (35,8%).

Xét theo vấn đề, sự không đồng bộ và nhất quán cũng như sự thiếu liên kết giữa các cơ quan, trong cả ban hành văn bản hướng dẫn và thực thi là vấn đề cần cải cách lớn nhất. Cùng một thủ tục, DN phải làm việc với nhiều cơ quan quản lý khác nhau khiến kéo dài thời gian và tăng chi phí.

#2a.jpg
Người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ lĩnh vực lao động, việc làm tại Sở Nội vụ TPHCM. Ảnh: NGÔ BÌNH

Để tháo gỡ điểm nghẽn thể chế nhằm thúc đẩy phát triển, từ kết quả khảo sát, Ban IV có kiến nghị, đề xuất gì?

Đây là bài toán của tư duy và quan điểm vì câu chuyện cải cách không của riêng ai. Ngoài nỗ lực liên tục của Chính phủ, Thủ tướng suốt các năm qua, rất cần sự thay đổi mạnh mẽ trong tinh thần, tư duy ở tất cả các cấp, ngành theo hướng hỗ trợ, kiến tạo thay vì cai quản.

Đối với bài toán trước mắt, chúng tôi rất ủng hộ những nỗ lực liên tục của Đề án 06 về xây dựng và tích hợp các cơ sở dữ liệu quốc gia, thúc đẩy số hóa, dữ liệu trưởng thành tới đâu thì tạo thuận lợi về quy trình, giấy phép cho người dân và DN tới đó trên cơ sở các biện pháp sàng lọc, đánh giá và xác thực dựa trên dữ liệu.

Vì vậy, rất cần ưu tiên và làm triệt để việc liên thông dữ liệu giữa các cơ quan quản lý. Các cổng dịch vụ công hiện tại cũng cần được cải tiến để DN có thể dễ dàng thực hiện mọi quy trình, thủ tục trên trực tuyến và DN cần được biết hồ sơ đã được xử lý tới bước nào.

Tiếp đó cần có những nguyên tắc pháp lý về việc “áp dụng pháp luật” nhằm đảm bảo rằng DN không phải đối mặt với các quy định khác nhau hoặc cách hiểu, cách thực thi khác nhau khi làm việc về cùng một nội dung với các cơ quan nhà nước khác nhau.

Tin cùng chuyên mục