Cải cách thể chế mạnh mẽ để ngày đạt khát vọng thịnh vượng gần lại
SGGP
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, bày tỏ, khi quy định có những cách hiểu khác nhau thì phải áp dụng cách hiểu nào có lợi nhất cho người dân, cho doanh nghiệp. Việc xây dựng chính sách và cả thực thi chính sách cũng phải theo nguyên tắc thị trường, tôn trọng tư duy thị trường, với sự tham gia có trách nhiệm của tất cả các bên: Nhà nước - doanh nghiệp - người tiêu dùng, bên có liên quan.
Phóng viên: Tại kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa XV tới đây, Quốc hội sẽ bàn về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và kế hoạch năm 2023. Ông đánh giá thế nào về tình hình kinh tế - xã hội hiện nay?
*Ông PHAN ĐỨC HIẾU: Có thể nói, năm 2022 là năm vượt khó, vượt thách thức và đến nay, tình hình kinh tế - xã hội đã cho thấy, Việt Nam phục hồi và phát triển. Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội hầu hết đạt được, vĩ mô ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tiếp tục duy trì tăng ở mức cao. Đặc biệt là những kết quả này đạt được trong bối cảnh thế giới suy thoái, lạm phát tăng cao và nhiều bất ổn, bất định khác. Một số dự báo cho rằng tăng trưởng năm nay không chỉ đạt, mà còn vượt mục tiêu đề ra.
Tuy nhiên, bên trong sự phục hồi mạnh mẽ đó vẫn còn vấn đề cần được giải quyết. Các tồn tại cố hữu của nền kinh tế vẫn còn, rất cần được khắc phục, như: năng suất lao động chưa đạt chỉ tiêu; một số thị trường, lĩnh vực phát triển thiếu tính bền vững; doanh nghiệp chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ; công nghệ sản xuất thấp phụ thuộc vào nhập khẩu đầu vào; năng lực quản trị còn hạn chế, thể chế vẫn còn điểm nghẽn, chưa thực sự tạo cho doanh nghiệp sự an toàn và an tâm trong sản xuất, kinh doanh và tuân thủ chính sách.
Cộng đồng doanh nghiệp đã có tâm trạng bất an vì rủi ro rất lớn, chính sách thiếu ổn định, không phù hợp, nhiều điều luật, nhiều quy định có cách hiểu khác nhau. Vậy giải pháp là gì, thưa ông?
*Tôi cho rằng, tiếp tục hoàn thiện pháp luật, hoàn thiện thể chế vẫn là một ưu tiên và phải chuyển dần từ xóa bỏ rào cản sang chủ động xây dựng thể chế thúc đẩy sự phát triển. Việc xây dựng chính sách và cả thực thi chính sách cũng phải theo nguyên tắc của thị trường, tôn trọng tư duy thị trường. Việc lạm dụng công cụ hành chính phải thay đổi, giảm can thiệp hành chính vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo thuận lợi và đề cao trách nhiệm của các bên có liên quan tham gia vào quá trình giám sát thực thi, tuân thủ pháp luật.
Khâu thực thi chính sách, thực thi pháp luật rất quan trọng để người dân, doanh nghiệp và thị trường yên tâm. Thực thi nhất quán nguyên tắc quyền tự do kinh doanh theo quy định của Hiến pháp. Tôi mong muốn là phải đặt ra nguyên tắc chung trong áp dụng pháp luật theo hướng: nếu quy định có nhiều cách hiểu khác nhau thì phải áp dụng cách hiểu tốt nhất cho doanh nghiệp, cho người dân. Áp dụng nguyên tắc này vừa giúp nâng cao trách nhiệm cơ quan tham mưu, xây dựng pháp luật, vừa hạn chế rủi ro cho doanh nghiệp, người dân. Dù kinh tế đã phục hồi mạnh mẽ, doanh nghiệp đã nhanh chóng bật dậy, nhưng lực của doanh nghiệp rất yếu vì đại dịch và thêm những rủi ro, thách thức mới khi thế giới đầy bất định, bất ổn. Mọi dự báo đều lo ngại năm 2023 sẽ còn khó khăn hơn và tốc độ tăng trưởng có thể giảm đi. Áp dụng cách hiểu tốt nhất, có lợi nhất chính là hỗ trợ thiết thực nhất cho người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.
Thưa ông, các doanh nghiệp cũng phản ánh về tình trạng thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp quá nhiều và một số nơi đã lạm dụng để nhũng nhiễu. Thậm chí, có nhiều nghi ngờ về động cơ của một số cuộc kiểm tra. Làm sao để ngăn chặn hiện tượng này?
*Thanh tra, kiểm tra là hoạt động bình thường của cơ quan quản lý nhà nước để đảm bảo sự tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, cũng như bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và trật tự xã hội. Hoạt động thanh tra được quy định tại Luật Thanh tra, nhưng hoạt động kiểm tra chưa được quy định rõ nên nguy cơ lạm dụng để nhũng nhiễu là rất cao. Để tránh quy định chặt chẽ về thanh tra, một số cơ quan tiếp cận doanh nghiệp bằng... các cuộc kiểm tra. Một số doanh nghiệp bị thanh tra, kiểm tra quá mức, mất nhiều thời gian, bỏ dở công việc kinh doanh chỉ để xoay xở với những yêu cầu của cán bộ thanh tra, kiểm tra.
Quan điểm của tôi, mục tiêu thanh tra là để doanh nghiệp yên tâm tuân thủ pháp luật, chứ thanh tra không phải là để soi mói doanh nghiệp. Thanh tra, kiểm tra phải theo hướng giảm tối đa ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh bình thường của doanh nghiệp. Nên bỏ kế hoạch thanh tra định kỳ, theo kế hoạch, nếu cần thiết thanh tra thì phải được thực hiện theo hướng áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro và cần được báo trước, minh bạch hóa.
Trong Luật Thanh tra sửa đổi (dự thảo đang được lấy ý kiến góp ý), theo tôi cần tách riêng quy định về thanh tra doanh nghiệp thành một chương riêng để tránh chồng chéo, trùng lặp do hoạt động doanh nghiệp đa ngành, đa lĩnh vực là đối tượng của nhiều cơ quan thanh tra chuyên ngành. Hiện nay, có quy định cơ quan thanh tra được trích lại một tỷ lệ % khoản thu hồi sau thanh tra để phục vụ cho hoạt động thanh tra. Tôi thấy quy định này đã tạo ra động lực lệch lạc trong công tác thanh tra, kiểm tra. Nên chăng, Chính phủ cần nghiên cứu, có thể bổ sung ngân sách cho cơ quan thanh tra hoạt động nếu cần thiết, thay vì để lại một phần tiền phạt thu từ thanh tra. Như vậy, cơ quan thanh tra có kinh phí hoạt động tốt và hoạt động thanh tra đúng mục tiêu mà không bị lạm dụng.
Theo ông, cần thêm những chính sách gì để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp?
*Quốc hội và Chính phủ đã, đang ban hành nhiều giải pháp, biện pháp cải cách thể chế, phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh… Các giải pháp không thiếu, chính sách cũng đã đầy đủ, quan trọng là thực thi cho tốt, hiệu quả và nhanh chóng. Chính sách tốt mà thực thi chậm thì hoặc giảm tác dụng, hoặc mất ý nghĩa; ngược lại, nếu thực thi kịp thời thì tác động có thể tăng thêm. Ví dụ, biện pháp hỗ trợ máy tính cho học sinh, một chính sách rất quan trọng và mang nhiều ý nghĩa trong bối cảnh vì dịch bệnh không thể đến trường phải học online, nhưng thực thi chậm thì không còn tác dụng gì.
Cùng với các biện pháp hỗ trợ bằng tiền, bằng tài chính của Nhà nước, để phục hồi nhanh và bền vững, để giữ được niềm tin, để người dân và doanh nghiệp an tâm sản xuất, kinh doanh, an tâm đầu tư thì như cộng đồng doanh nghiệp đã thổ lộ là rất cần gói hỗ trợ phi tài chính mang tên cải cách thể chế. Cộng đồng doanh nghiệp luôn kỳ vọng và mong muốn có được môi trường kinh doanh thực sự thuận lợi, minh bạch và bình đẳng. Cải cách thể chế là một quá trình liên tục. Để nền kinh tế bật dậy vững vàng, đất nước phát triển bền vững cần có một làn sóng cải cách thể chế, mạnh mẽ và quyết liệt hơn nữa. Tôi tin rằng, khi đó đất nước sẽ có sự phát triển mạnh mẽ, sớm đạt mục tiêu và ngày đạt được khát vọng trở thành đất nước giàu mạnh sẽ gần lại.