Tuy nhiên, nước này vẫn phải đương đầu với cuộc khủng hoảng nhân sự khi những người cao tuổi dần rút khỏi lực lượng lao động. Một cuộc khảo sát hồi đầu năm cho thấy, hơn một nửa số công ty Đức đang chật vật để tìm nhân viên do thiếu công nhân lành nghề.
Trong khi đó, tỷ lệ nhập tịch của Đức đang thấp hơn so với các quốc gia châu Âu khác, với tỷ lệ được cấp quốc tịch là 13/10.000 người vào năm 2020 so với mức trung bình là 16/10.000 người trên toàn Liên minh châu Âu. Điều này khiến người lao động nước ngoài khó hòa nhập nền kinh tế và xã hội Đức nói chung. Việc cải tổ luật nhập cư cũng là cam kết quan trọng được chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz đưa ra khi lên nắm quyền vào cuối năm 2021.
Dự luật sẽ được thảo luận ở quốc hội thời gian tới, nhằm tạo điều kiện cho những trường hợp người nước ngoài có thể nhập quốc tịch Đức chỉ sau 5 năm, thay vì 8 năm như hiện nay. Thậm chí, những trường hợp hội nhập tốt và có trình độ tiếng Đức thành thạo sẽ được nhập quốc tịch chỉ sau 3 năm. Các trường hợp này cũng cần chứng minh có thể tự lo liệu cho cuộc sống riêng, không phụ thuộc vào sự hỗ trợ của nhà nước, trừ một số trường hợp ngoại lệ.
Đặc biệt, dự luật mở ra cơ hội nhập quốc tịch Đức cho nhiều người hơn với quy chế 2 quốc tịch. Theo luật hiện hành của Đức, chỉ những người có hộ chiếu Liên minh châu Âu hoặc những người có cha hoặc mẹ là người Đức mới đủ điều kiện mang 2 quốc tịch.
Quyền có 2 quốc tịch hiện nay nhìn chung chỉ giới hạn ở công dân các nước thuộc Liên minh châu Âu và Thụy Sĩ, mặc dù trên thực tế vẫn có những trường hợp ngoại lệ. Có khoảng 10 triệu người, chiếm 12% dân số, hiện sống ở Đức mà không có hộ chiếu Đức, khiến họ không thể hưởng các quyền cơ bản như bỏ phiếu hay đảm nhận một số vị trí tại cơ quan nhà nước. Ước tính sau khi Đức cải cách luật nhập cư, số lượng đơn đăng ký nhập tịch sẽ tăng từ 50%-100% so với hiện nay.