Theo đó, trong thời gian tới người tị nạn tại Đức sẽ nhận được phần trợ cấp sinh hoạt từ các bang thông qua thẻ thanh toán thay vì được cung cấp tiền mặt như hiện nay. Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser cho biết thẻ thanh toán có thể được sử dụng để mua hàng hóa và dịch vụ trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, việc chuyển tiền và thanh toán xuyên biên giới sẽ không thể thực hiện được. Việc rút tiền mặt bị hạn chế, có tính đến từng trường hợp cụ thể và thực tế từng địa phương. Quy định này sẽ được áp dụng thống nhất trên toàn nước Đức. Hiện tại ở Đức có hơn 3 triệu người tị nạn.
Gánh nặng người di cư khiến nguồn lực của khu vực công tại các địa phương Đức trở nên khó khăn hơn. Giới chức địa phương phàn nàn không bảo đảm được nhà ở cho người tị nạn cũng như thiếu nhân sự để xử lý các vấn đề liên quan tới hơn 250.000 người xin tị nạn đến nước này trong năm 2023. Trong bối cảnh đó, các bang và thành phố đã gây sức ép lên chính phủ để có các khoản tài chính nhằm bảo đảm điều kiện ăn ở vốn đang quá tải hiện nay của người tị nạn cũng như vấn đề chăm sóc và giúp họ hòa nhập.
Việc ban hành các chính sách cải cách để giải quyết tình trạng khủng hoảng người di cư được kỳ vọng sẽ mang tới sự cải thiện trong thời gian tới. Tuy nhiên, để giảm đáng kể tình trạng di cư bất hợp pháp, Chính phủ Đức cho rằng vẫn cần có một hệ thống tị nạn chung của châu Âu, trong đó biên giới ngoài của Liên minh châu Âu (EU) cần được kiểm soát một cách nghiêm ngặt.
Đức cũng đang đối mặt với những áp lực phải thi hành những biện pháp cứng rắn hơn theo một thỏa thuận chung mà các nước EU rất khó khăn mới đạt được vào tháng 10 năm ngoái và đang chờ Nghị viện châu Âu thông qua. Đó là Hiệp ước về di cư và tị nạn của EU, trong đó có những điều khoản giúp giảm bớt gánh nặng cho các quốc gia trên tuyến đầu ứng phó với dòng người di cư như Đức.