Dù đã có những bước đột phá về thể chế pháp luật, cải cách thủ tục hành chính (TTHC) theo hướng đơn giản hóa, tạo thuận lợi nhất cho người dân và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức trong bộ máy cơ quan hành chính, nhưng vẫn còn những điểm nghẽn cản trở đến tiến trình CCHC trong cả hệ thống.
Trong 3 năm qua, đã có 1.793 TTHC được áp dụng cấp thành phố, 1.176 cấp quận huyện và hơn 500 ở cấp xã phường và các cơ quan khác. Thành phố cũng đã cấp 23.300 hộp thư điện tử cho cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy hành chính áp dụng vào quản lý, giải quyết hồ sơ hành chính; đồng thời, nâng mức dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 đạt tỷ lệ 41%.
Ngoài ra, thành phố đã thực hiện cấp giấy chứng nhận đăng ký văn bản điện tử ở 20 đơn vị cấp thành phố, 24 quận huyện, áp dụng chữ ký điện tử và liên thông 23.900 văn bản điện tử, truyền hình hội nghị trực tuyến 44 đơn vị sở ngành, quận huyện; 100% đơn vị tổ chức tiếp nhận, trả kết quả theo mô hình “một cửa”, “một cửa liên thông”, có thư xin lỗi người dân và doanh nghiệp khi trễ hẹn giải quyết hồ sơ và đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho 26.559 lượt cán bộ, công chức.
Những mô hình, cách làm trên dù đã được nhân rộng tại nhiều cơ quan hành chính từ cấp xã phường, thị trấn đến quận huyện, sở ngành thành phố, nhưng theo đánh giá vẫn còn một số nơi triển khai chậm.
Trong đó có các quận: 7, 8, Bình Thạnh chưa thực hiện trực tuyến cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ, công khai quy hoạch chi tiết 1/500, một cửa liên thông cấp phép đầu tư xây dựng công trình tại Sở Xây dựng. Hay tình trạng người dân phải sao y, chứng thực giấy tờ ở các xã phường, thị trấn còn quá nhiều, gây lãng phí thời gian, chi phí, thay vì chỉ đối chiếu bản photocopy với bản chính theo quy định.
Trong tiến trình thực hiện CCHC, thành phố nhìn nhận có những “điểm nghẽn” cần sớm khắc phục. Trong đó, lớn nhất là về nhận thức của các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức, nhất là đối với người đứng đầu trong triển khai thực hiện chưa đồng bộ, quyết liệt. Các nội dung CCHC liên quan đến thể chế, thủ tục, tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ công chức viên chức, tài chính công, hiện đại hóa hành chính còn chậm, chưa đáp ứng kịp thời với yêu cầu của công tác CCHC đặt ra.
Chú trọng trách nhiệm cá nhân
Việc đánh giá về hiệu quả công tác CCHC chưa mang tính định lượng trên cơ sở các lĩnh vực về kinh tế - xã hội, sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Từ đó, chưa thấy sự tác động của CCHC đến tăng trưởng kinh tế, chăm lo đời sống nhân dân, giảm thiểu chi phí, thời gian đi lại, sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.
Hay việc đánh giá sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp với kết quả ở một số lĩnh vực chưa chính xác, đối tượng tham gia đánh giá sự hài lòng chưa bao quát, chưa làm rõ được mức độ mà người dân, doanh nghiệp bị nhũng nhiễu, chưa hài lòng...
Về hiện đại hóa nền hành chính, tuy đã được đẩy mạnh thực hiện ở nhiều nơi, nhiều cấp, nhưng nhìn chung chưa đồng bộ, chưa tương thích với việc xây dựng chính quyền điện tử ở địa phương, chưa có sự kết nối, liên thông với chính quyền ở Trung ương.
Mặt khác, tổ chức bộ máy hành chính chậm được thay đổi đã gây xáo trộn trong tổ chức, không xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của tổ chức và còn chồng chéo, kém hiệu lực.
Công tác đào tạo từ các trường đại học chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ có tính chuyên nghiệp hơn của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, dẫn đến phải đào tạo lại, gây lãng phí lớn cho ngân sách; kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa nghiêm, cải cách tiền lương chưa triệt để, đời sống, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức còn nhiều khó khăn.
Đó là những “điểm nghẽn” được nhận diện để có những giải pháp cơ bản khắc phục trong thời gian tới. Trong đó, cần tập trung vào nhóm giải pháp về cải cách thể chế, bắt nguồn từ thực tiễn cuộc sống, đảm bảo tính khách quan, tác động thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ lợi ích chính đáng của người dân, doanh nghiệp; khắc phục tình trạng lợi ích nhóm trong lập pháp, thể chế.
Đồng thời, cần hoàn thiện bộ TTHC theo hướng dễ hiểu, dễ thực hiện, ổn định, nghiên cứu áp dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 theo hướng tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp.
Giải pháp về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cần chú trọng đến trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu. Cải cách chế độ công vụ, công chức; đánh giá công chức, viên chức hàng năm phải mang tính định lượng, hiệu quả công việc rõ ràng, công khai, khen thưởng, kỷ luật, kỷ cương nghiêm.
Xây dựng mô hình chính phủ điện tử trên phạm vi cả nước mang tính đồng bộ, tương thích, tạo thuận lợi cho các cấp chính quyền địa phương gần dân phục vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp; thực hiện nghiêm ISO điện tử, quy định rõ quy trình thời gian liên thông giữa các ngành, các cấp.
Đánh giá sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp phải có phương pháp khoa học, khách quan, thực chất hơn. Không nên chạy theo phong trào, thành tích như cách làm cũ kém hiệu quả.