Giảm tải tối đa
Kể từ ngày 30-8, Trung Quốc đã áp dụng việc cấm các kỳ thi viết đối với học sinh 6 và 7 tuổi. Đây là một phần trong nỗ lực cải cách giáo dục sâu rộng nhằm giảm bớt áp lực cho học sinh và phụ huynh trong hệ thống trường học siêu cạnh tranh của Trung Quốc. Bộ Giáo dục Trung Quốc cho biết, áp lực đối với học sinh từ khi còn nhỏ gây hại cho tinh thần và thể chất của các em. Theo quy định mới, chương trình giáo dục bắt buộc chỉ được phép tổ chức một kỳ thi trong mỗi một học kỳ, cấp THCS thì được phép tổ chức thêm thi giữa kỳ và thi thử.
Bên cạnh đó, bộ còn yêu cầu không ra bài tập về nhà cho học sinh lớp 1 và lớp 2, lượng bài tập với học sinh THCS không vượt quá 1,5 giờ/đêm. Các nhà chức trách tại TP Bắc Kinh tuần trước đã thông báo, giáo viên phải luân chuyển giữa các trường học 6 năm/lần để hạn chế tình trạng tập trung nhân tài tại một số trường học. Ngoài ra, ban lãnh đạo cũng nhắc lại lệnh cấm trường lập ra các lớp ưu tiên cho học sinh năng khiếu.
Các biện pháp này là một phần trong những cải cách rộng lớn hơn của chính phủ trong lĩnh vực giáo dục, bao gồm việc hạn chế các trường luyện thi để giảm thiểu tình trạng bất bình đẳng trong cơ hội tiếp cận giáo dục. Cuối tháng 7, Trung Quốc đã ra lệnh cho tất cả cơ sở dạy thêm tư nhân chuyển sang hoạt động phi lợi nhuận và cấm dạy thêm các môn học chính vào cuối tuần và ngày lễ. Trước đây, hệ thống định hướng thi cử của Trung Quốc yêu cầu học sinh phải thực hiện các bài thi từ lớp 1 trở đi. Đỉnh điểm của hệ thống này là kỳ thi tuyển sinh đại học đầy căng thẳng ở tuổi 18, vốn được xem là có thể quyết định cuộc đời của một đứa trẻ.
Ngoài ra, ở một số nước, các giải pháp để triển khai hình thức dạy và học gián tiếp hiệu quả đang được đặc biệt quan tâm. Bộ Giáo dục Singapore đã xây dựng hệ thống học online Student Learning Space cho cả nước, với nguồn tài nguyên khá đa dạng từ video, sách, truyện đến các trò chơi tương tác. Tại Thái Lan, địa phương chủ động kết nối với các đài truyền hình, tổ chức chương trình dạy học trên tivi dành riêng cho học sinh tiểu học, nhất là lớp 1. Trong khi đó, Bộ Giáo dục Australia khuyến khích giáo viên, học sinh và phụ huynh đổi mới phương pháp tiếp cận dạy, học online để tăng hiệu quả, đồng thời khắc phục hạn chế của hình thức này. Thầy cô soạn chương trình cụ thể của tiết học để học sinh chuẩn bị bài theo trình tự, những yêu cầu cũng phải ngắn gọn, rõ ràng…
Tuyển sinh linh hoạt
Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, với nền giáo dục hiện đại và phát triển, Mỹ không tổ chức thi đại học chung cả bang hay toàn quốc, các đại học xét tuyển theo tiêu chí riêng. Học sinh lớp 12 không phải trải qua kỳ thi tốt nghiệp tập trung. Khi hoàn thành chương trình lớp 12, các em được tính tốt nghiệp phổ thông. Với những học sinh lựa chọn hình thức tự học tại nhà, hay vì lý do nào đó khiến việc học bị gián đoạn, các em có thể đăng ký dự kỳ thi GED để tốt nghiệp. Kỳ thi này gồm 5 môn, kết quả có thể dùng làm căn cứ xét đại học với thời gian tổ chức linh hoạt, thuận tiện cho thí sinh.
Để đảm bảo chất lượng tuyển sinh, các trường thường yêu cầu học sinh nộp bảng điểm kết quả học tập 4 năm 9, 10, 11 và 12, thư giới thiệu của giáo viên, bài luận và phỏng vấn... Tùy trường và hoàn cảnh cụ thể, những yêu cầu này có thể được bỏ bớt hoặc bổ sung điều kiện chi tiết hơn. Ưu điểm lớn nhất trong cách tuyển sinh đại học này là tính linh hoạt, thuận tiện cho cả người học và nhà trường. Học sinh có thể gửi hồ sơ trực tuyến cùng lúc tới hàng chục trường trong một kỳ tuyển sinh, hạn chế rủi ro, sau đó chọn trường có yêu cầu, tiêu chí xét tuyển phù hợp với mình.
Thống kê mới nhất của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) cho thấy, đại dịch Covid-19 bùng phát gần 2 năm qua đã làm gián đoạn việc học của trên 1,7 tỷ học sinh, sinh viên tại ít nhất 192 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hiện vẫn có gần 30 quốc gia đóng cửa hoàn toàn trường học. Theo báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế công bố tháng 6-2021, lần đầu tiên trong 2 thập niên trở lại đây, lao động trẻ em đã tăng lên mức 160 triệu, đảo ngược xu thế giảm trước đó. Khoảng 9 triệu trẻ em đứng trước nguy cơ phải bỏ học và gia nhập đội ngũ lao động do đại dịch Covid-19. |