Ông Nguyễn Duy Thăng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ |
- PHÓNG VIÊN: Thưa ông, Quốc hội yêu cầu Bộ Nội vụ, trong năm 2023 trình cấp có thẩm quyền lộ trình thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo yêu cầu tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21-5-2018 của Ban Chấp hành Trung ương. Bộ Nội vụ đã chuẩn bị cho việc trình cấp có thẩm quyền đến đâu?
Ông NGUYỄN DUY THĂNG: Bộ Nội vụ đã chủ động phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng cụ thể các nội dung của chế độ tiền lương mới. Trong đó, xây dựng các bảng lương mới, các chế độ phụ cấp lương, chế độ tiền thưởng, cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập gắn với kết quả thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII để thực hiện từ năm 2021 theo lộ trình ghi tại Nghị quyết số 27-NQ/TW báo cáo cấp có thẩm quyền. Tuy nhiên, do tác động của nhiều yếu tố bất lợi, đặc biệt là ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên Hội nghị Trung ương 13 khóa XII và Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII đã chỉ đạo lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương mới theo Nghị quyết số 27-NQ/TW vào thời điểm phù hợp.
Hiện nay, thực hiện Kết luận số 20-KL/TW của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ban hành kế hoạch triển khai các nội dung cải cách chính sách tiền lương năm 2022 và các năm sau. Trước mắt, hướng dẫn thực hiện chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (khu vực công) từ ngày 1-7. Đồng thời, căn cứ vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và các năm sau để trình Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định thời điểm thực hiện chế độ tiền lương mới cho phù hợp.
Tôi cho rằng, giải pháp mang tính đột phá là cần phải thể chế được yêu cầu tại Nghị quyết số 27-NQ/TW là hoàn thiện hệ thống vị trí việc làm để làm căn cứ tuyển dụng, sử dụng, đánh giá và trả lương đối với cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm; thực hiện nghiêm chủ trương để tạo nguồn cho cải cách chính sách tiền lương. Đồng thời, gắn cải cách chính sách tiền lương với việc thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế trong hệ thống chính trị và trong các đơn vị sự nghiệp công lập, trên cơ sở đó cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.
Do chịu áp lực lớn, nhiều nhân viên y tế đã rời bỏ bệnh viện công. Ảnh: QUANG PHÚC |
- Thưa ông, một trong những vấn đề cải cách tiền lương, trả lương đúng và không cào bằng là phải xây dựng được danh mục vị trí việc làm và mô tả khung năng lực vị trí việc làm cụ thể. Vấn đề này, Bộ Nội vụ đã phối hợp với các bộ ngành, địa phương như thế nào để có “thước đo” năng lực, từ đó xây dựng bảng lương chính xác nhất?
Đây là những vấn đề rất quan trọng đã được nêu trong Nghị quyết số 27- NQ/TW đòi hỏi phải được thể chế rõ ràng, minh bạch khi thực hiện chế độ tiền lương mới. Theo đó, để xây dựng được các bảng lương theo vị trí việc làm thì các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị và các đơn vị sự nghiệp công lập cần phải hoàn thiện danh mục vị trí việc làm, xây dựng được bản mô tả công việc và xác định khung năng lực theo từng vị trí việc làm chuyên môn, nghiệp vụ và chức danh, chức vụ lãnh đạo. Trên cơ sở các nội dung của vị trí việc làm nêu trên để xây dựng bảng lương mới và thực hiện trả lương theo vị trí việc làm.
Đáng chú ý, về chế độ phụ cấp ưu đãi đối với ngành giáo dục và y tế, phải bảo đảm giữ được hoặc có cải thiện hơn về tương quan với các ngành, nghề khác khi thực hiện sắp xếp lại các chế độ phụ cấp trong cơ cấu tiền lương mới của các đối tượng hưởng lương và phụ cấp từ ngân sách nhà nước (lương cơ bản chiếm 70% và các phụ cấp chiếm 30% tổng quỹ lương chi từ ngân sách nhà nước cho các đối tượng trong khu vực công).
- Thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ tham nhũng, tham ô tài sản nhà nước rất lớn và đối tượng vi phạm chủ yếu ở người có chức vụ, quyền hạn. Ông kỳ vọng gì khi thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương, mức thu nhập?
Cải cách chính sách tiền lương theo tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết số 27- NQ/TW là “tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính, bảo đảm đời sống của người lao động và gia đình người hưởng lương; trả lương đúng là đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực”. Do đó, tới đây, cải cách chính sách tiền lương phải được triển khai đồng bộ với các giải pháp phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, tăng cường đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp. Bên cạnh đó là thực hiện chế độ thu hút, trọng dụng nhân tài, chế độ đãi ngộ, khen thưởng xứng đáng ngoài tiền lương theo năng suất lao động, chất lượng và hiệu quả thực thi công vụ. Làm tốt và đồng bộ những vấn đề này thì khi thực hiện chế độ tiền lương mới sẽ góp phần tích cực vào phòng chống tham nhũng, lãng phí, từng bước thu hút và trọng dụng được người tài. Tuy nhiên, đây là vấn đề khó, phức tạp, chúng ta cần phải thường xuyên hoàn thiện thể chế, chính sách trong việc xây dựng và trong suốt quá trình triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương.