Số văn bản chi tiết nợ đọng giảm từ 16 xuống còn 6 văn bản, thuộc trách nhiệm của các bộ: Công an, Xây dựng, GTVT, Tài chính. 17 văn bản quy định chi tiết có hiệu lực từ 1-7-2019 giảm xuống còn 15 văn bản chưa ban hành, thuộc trách nhiệm của các bộ: Công an, Công thương, Quốc phòng, GD-ĐT, Thanh tra Chính phủ.
Tuy nhiên, so với năm 2017 và 2018, tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết tăng lên, để xảy ra tình trạng văn bản nợ đọng quy định chi tiết trước khi khai mạc kỳ họp Quốc hội thứ bảy. Số đề án nợ đọng trong 4 tháng là 51/103 đề án.
Đến nay, còn nợ đọng 38/123 đề án. Bên cạnh đó, qua rà soát của Văn phòng Chính phủ (VPCP), các bộ, cơ quan tham gia buổi làm việc còn nợ đọng 37 nhiệm vụ, trong đó có nhiều nhiệm vụ rất quan trọng liên quan đến hoàn thiện thể chế, tăng trưởng và an sinh xã hội.
Trong số các nhiệm vụ nợ đọng, có 2 dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật An ninh mạng hiện đã được Bộ Công an gửi VPCP để lấy ý kiến các thành viên Chính phủ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu phải đánh giá tác động thật kỹ, lắng nghe các tổ chức quốc tế, cơ quan ngoại giao, các nhà đầu tư nước ngoài, nên việc ban hành chậm hơn dự kiến trước kia. Bên cạnh đó là dự thảo Nghị định kiểm soát tài sản thu nhập và nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng thuộc trách nhiệm Thanh tra Chính phủ.
Ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP, nhấn mạnh tại cuộc họp, nếu muốn đẩy mạnh chống tham nhũng vặt và tháo gỡ, xử lý các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, thì ngay trong nội bộ các cơ quan cũng phải cải cách. Không cải cách, không minh bạch trong nội bộ, vụ nọ giấu vụ kia, không điều phối tốt thì cũng không cải cách tốt với bên ngoài được.
Thủ tướng rất quan tâm công tác cải cách, nhất là việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Các bộ phải công khai các điều kiện, thủ tục được cắt giảm để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.