Đẩy mạnh tự chủ đơn vị sự nghiệp công
Xu hướng chung của thế giới hiện nay là nhà nước chỉ trực tiếp thực hiện những dịch vụ công mà xã hội không thể làm được, hoặc không muốn làm. Trong những năm gần đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính với vai trò là Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ thường xuyên chỉ đạo việc tiếp tục nghiên cứu, thí điểm chuyển giao một số nhiệm vụ và dịch vụ hành chính công mà nhà nước không nhất thiết phải thực hiện cho doanh nghiệp, các tổ chức xã hội đảm nhiệm, tinh thần là nơi nào làm tốt, làm hiệu quả hơn thì giao việc.
Theo TS Nguyễn Huyền Hạnh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước (Bộ Nội vụ), Chính phủ và các cơ quan hành chính nhà nước có thể trực tiếp cung ứng một số dịch vụ công quan trọng, thiết yếu với đời sống của người dân (như giáo dục, y tế, cung cấp nước sạch, vệ sinh môi trường, thủy lợi...), đồng thời tiếp tục huy động sự tham gia của xã hội vào cung ứng dịch vụ công. Thực hiện tốt việc đó, cũng là một giải pháp quan trọng để tinh gọn bộ máy, giảm sức ép hưởng lương ngân sách.
Cùng với đó, phải tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Hiện nay, Ban Kinh tế Trung ương đang hoàn thiện đề án “Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập” để trình Bộ Chính trị trong thời gian tới. Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho biết, đến nay, việc triển khai nghị quyết đã đạt được nhiều kết quả quan trọng như: số lượng đơn vị sự nghiệp công lập được tinh giản, hoạt động ngày càng hiệu quả, năng lực tự chủ ngày càng cao hơn; số biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước giảm dần; huy động sự tham gia của xã hội ngày càng mạnh mẽ hơn trong phát triển dịch vụ sự nghiệp công.
Minh chứng cho điều này, theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, số đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thẩm quyền quản lý của các bộ ngành, địa phương đến nay có hơn 47.700 đơn vị, giảm 7.469 đơn vị, tương đương 13,5% so với năm 2016, vượt chỉ tiêu 10% đề ra tại Nghị quyết số 19-NQ/TW của Trung ương. Số người được giải quyết chính sách tinh giản biên chế ở các bộ, ngành, địa phương đến nay là trên 79.000 người.
Tuy nhiên, tổng biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước năm 2022 vẫn rất lớn, gần 2 triệu người. Trong đó, 2 ngành giáo dục, y tế chiếm tuyệt đại đa số biên chế cả nước, khoảng 90%. Đây cũng là 2 ngành luôn có những “căng thẳng” dai dẳng mà xã hội quan tâm. Thực tế, một vấn đề đặt ra hiện nay là phải quản trị tốt các đơn vị sự nghiệp, trong đó chủ yếu là trường học, bệnh viện. Quản trị bệnh viện và trường học cần xuất phát từ yêu cầu chuyên môn, phát huy tính tự chủ, sáng tạo của cơ sở, từ đó được quyền tự chủ về bộ máy, về nhân sự, về đầu tư, chi lương.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao Bộ Nội vụ nghiên cứu hoàn thiện các nội dung cụ thể của cải cách chính sách tiền lương và phụ cấp mới trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định thực hiện vào thời điểm thích hợp sau năm 2023, bảo đảm theo yêu cầu của Nghị quyết số 27-NQ/TW, trình cấp có thẩm quyền về lộ trình thực hiện.
Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đề xuất, đã tự chủ chi thường xuyên thì cần cho bệnh viện được quyết định mức thu nhập cho cán bộ y tế. “Chúng ta không cấp chi phí thường xuyên cho bệnh viện, các đơn vị tự chủ, nhưng lại quy định là chỉ được trả lương bao nhiêu, cơ bản không quá 2 lần quỹ tiền lương và thưởng 3 tháng thì không hợp lý. Nên để việc này cho bệnh viện quyết định, miễn làm sao cán bộ giữ được người tốt, hoạt động hiệu quả, thu thường xuyên càng cao”, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân nói.
Tinh giản biên chế là khâu đột phá quan trọng
Theo ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Văn kiện Đại hội XII của Đảng ta đã xác định, cải cách chính sách tiền lương, tiền công theo nguyên tắc thị trường, phù hợp với năng suất lao động; thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở, mức lương tối thiểu theo lộ trình phù hợp, bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động đang làm việc cũng như người đã nghỉ việc hưởng chế độ hưu trí. “Thực hiện quan điểm của Đảng, chúng ta nên coi việc tính đúng và tính đủ tiền lương cho người lao động chính là sự đầu tư cho phát triển. Tính đủ cho người lao động có nghĩa là tiền lương phải bao gồm 3 bộ phận: đủ để tái sản xuất giản đơn sức lao động; bộ phận để tái sản xuất mở rộng và một bộ phận nuôi gia đình. Tính đúng cho người lao động có nghĩa tiền lương phải được gắn với công việc, năng suất, chất lượng, hiệu quả làm việc của công chức hành chính”, ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.
Trong số các giải pháp cơ bản để cải cách chính sách tiền lương mang tính bền vững, thực chất hơn nhằm nâng cao đời sống đội ngũ mà ông Bùi Sỹ Lợi đề xuất, trước hết, phải quán triệt quan điểm đổi mới về tư duy trong cải cách chính sách tiền lương chính là chi cho đầu tư phát triển; đảm bảo cho tiền lương thực sự là động lực quan trọng thúc đẩy cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nâng cao năng lực để thực thi công vụ có hiệu quả hơn, giảm thiểu tham nhũng, tiêu cực. Tiền lương phải tiệm cận với giá trị sức lao động trên thị trường, hướng tới sự công bằng, thực chất. Với tính chất phức tạp và vai trò quan trọng của lao động công chức hành chính, lương của họ phải được xếp ở mức độ quan trọng hơn lao động trong khu vực sản xuất kinh doanh, khu vực sự nghiệp và chỉ đứng sau khu vực lực lượng vũ trang.
Ông Bùi Sỹ Lợi cũng cho rằng, bộ máy hành chính nhà nước phải được sắp xếp lại theo hướng gọn nhẹ, đa chức năng, không bị chồng chéo, nhằm giảm bớt nhân lực dư thừa, giảm những công chức không có năng lực hoặc biến chất, góp phần tạo thêm nguồn tài chính để trả lương. Việc tinh giản biên chế bộ máy hành chính nhà nước phải được coi như một khâu đột phá quan trọng; đồng thời, tuyển dụng những người có đức, có tài, thật sự tâm huyết với nghề nghiệp. Và, dĩ nhiên, cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa các dịch vụ công nhằm giảm bớt quỹ tiền lương viên chức từ ngân sách nhà nước.
Mặt khác, phải tạo nguồn tiền để tăng lương là một trong những bước đi đột phá để đưa chính sách tiền lương vào thực tiễn đời sống. Ngân sách hiện nay hạn hẹp, lại phải chi nhiều, đặc biệt là chi xây dựng cơ sở hạ tầng cho phát triển sản xuất, tiền đề cho việc tăng lương. Do đó, phải cơ cấu lại chi ngân sách cho hiệu quả.
Ông Nguyễn Duy Thăng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, cũng nhấn mạnh, giải pháp mang tính đột phá để cải cách chính sách tiền lương là cần phải thể chế được yêu cầu tại Nghị quyết số 27-NQ/TW (về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp), đó là hoàn thiện hệ thống vị trí việc làm để làm căn cứ tuyển dụng, sử dụng, đánh giá và trả lương đối với cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm; thực hiện nghiêm chủ trương tạo nguồn cho cải cách chính sách tiền lương. Đồng thời, gắn cải cách chính sách tiền lương với việc thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế trong hệ thống chính trị và trong các đơn vị sự nghiệp công lập, trên cơ sở đó cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Cải cách chính sách tiền lương cũng phải được triển khai đồng bộ với các giải pháp phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Bên cạnh đó là thực hiện chế độ thu hút, trọng dụng nhân tài, chế độ đãi ngộ, khen thưởng xứng đáng theo năng suất lao động, chất lượng và hiệu quả thực thi công vụ…
Một vấn đề đáng chú ý tại Thông báo số 50-KL/TW kết luận về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW (ngày 25-10-2017) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả mà Bộ Chính trị vừa ban hành, là: kiên quyết chuyển cho doanh nghiệp, các tổ chức xã hội đảm nhiệm những nhiệm vụ và dịch vụ hành chính công mà nhà nước không nhất thiết phải thực hiện.